Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” tại Hải Phòng từ 26-28/12.
Trả lời tại họp báo thông tin về hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định vai trò quan trọng của nguồn lực kiều bào trong đóng góp phát triển đất nước.
Theo Thứ trưởng, nguồn lực kiều bào thể hiện trên 4 phương diện.
Trước tiên là nguồn lực về trí thức, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính, trong khoảng 6 triệu người Việt ở nước ngoài, 600.000 người (chiếm từ 10-12%) nằm trong lực lượng nhân lực chất lượng cao này, 80% người Việt Nam ở nước ngoài sống ở các nước phát triển. Việt Nam cũng có nhiều nhà khoa học, trí thức đc vinh danh và nhận được các giải thưởng quốc tế.
Nguồn lực thứ hai là kinh tế. Rất nhiều cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện nay đã tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, có chuỗi phân phối hàng hóa ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. Hiện nay cộng đồng đã đầu tư vào trong nước khoảng 385 dự án FDI, có mặt ở 42/63 tỉnh thành, với tổng số vốn đăng ký là 1,72 tỷ USD. Việt Nam nằm trong số các nước trên thế giới nhận được lượng kiều hối lớn. Theo thống kê tính từ năm 1993 đến năm 2022, lượng kiều hối đạt trên 190 tỷ USD.
Thứ ba là nguồn lực về lao động. Người lao động Việt Nam làm việc ở các nước trở thành nguồn lao động có tay nghề, kỹ năng và kỷ luật, khi trở về sẽ đóng góp cho nguồn lực của đất nước.
Cuối cùng là "nguồn lực mềm", là cầu nối quan trọng, trực tiếp giữa nhân dân Việt Nam với các nước, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến nơi họ sinh sống.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại họp báo thông tin về hội nghị. (Ảnh: UBNV)
Hội nghị "Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp" nhằm tăng cường kết nối, phát huy nguồn lực kiều bào trong nhiều lĩnh vực đang được quan tâm, như đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực và phát triển chuỗi cung ứng.
Theo chương trình, Hội nghị gồm một phiên khai mạc và ba phiên thảo luận chuyên đề dưới hình thức panel với các chủ đề: Đầu tư xanh, phát triển nguồn nhân lực, phát triển chuỗi cung ứng; trong đó, dự kiến sẽ có khoảng 10 phát biểu của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài các phiên thảo luận, các đại biểu sẽ tham quan, tìm hiểu thực tế tại một số cơ sở kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương.
Hội nghị dự kiến có sự tham dự của hơn 300 đại biểu là Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương; đại biểu kiều bào, trí thức, doanh nhân, các nhân vật có ảnh hưởng, giới trẻ người gốc Việt từ các nước trên thế giới; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các doanh nghiệp, giới chuyên gia, học giả, báo chí trong nước.