Trong phiên họp ngày 10/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ( XLVPHC).
Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc thực hiện Luật trong thời gian qua có những vấn đề được điều chỉnh kịp thời, mang lại tác dụng tích cực.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)
Tuy nhiên, theo Thượng tướng Lê Quý Vương, trong quản lý đất nước, quản lý xã hội, khi có những vấn đề phát sinh phức tạp thì thông thường phải xem lại cách tổ chức thực hiện, xem lại các luật hiện hành, mà ở đây là Luật XLVPHC - dự án luật điều chỉnh tập trung rất nhiều vào các nhóm hành vi cưỡng chế, xử phạt, thẩm quyền, trong đó có nhiều thẩm quyền phải sửa đổi.
“Trong thời gian qua, thực hiện luật, có những vấn đề được điều chỉnh kịp thời, mang lại tác dụng tích cực, ví dụ như Nghị định 100 do Chính phủ ban hành có hiệu quả rất tốt, đặc biệt là chế tài. Tai nạn giao thông giảm gần 20% về số vụ, số người chết và bị thương. Đặc biệt vấn đề nguyên nhân từ rượu bia giảm mạnh”, Thượng tướng Lê Quý Vương dẫn chứng.
Tuy nhiên Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nhấn mạnh, Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC vẫn còn nhiều nội dung cần thiết phải sửa đổi, không chỉ sửa các quy định chung của luật mà cụ thể cần kèm theo các Nghị định của Chính phủ để ban hành về hành vi, chế tài, thẩm quyền.
"Chẳng hạn, tới đây đang đề xuất sửa Nghị định 167 về xử lý nh vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự", Thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Đặc biệt, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng việc xử phạt với hành vi dâm ô phải sửa ngay.
"Không thể có chuyện phạt 200 nghìn đồng được, phải ở mức cao hơn như dự thảo luật là 2 triệu đồng, 5 triệu đồng, hoặc tối đa có thể cao hơn”, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)
Cũng liên quan tới hành vi dâm ô, quấy rối tình dục, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, một số quy định về xử phạt hành vi quấy rối tình dục đang bị dư luật phản ứng. Từ đó, bà Nga cho rằng cần phải xem xét lại xem quy định như trong luật có đáp ứng được chưa và có nên sửa đổi hay không, sửa đổi thế nào?
Góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng việc điều chỉnh mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực vi phạm hành chính đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
“Từ vụ xảy ra trong thang máy phạt có 200 nghìn đồng, báo chí, xã hội người ta nói quá nhiều thì chúng ta phải sửa. Ngày trước chúng ta quy định như vậy thì phải phạt đúng theo luật, không thể phạt cao hơn luật. Giờ nâng là phù hợp với thực tiễn và mong muốn của xã hội để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Tháng 3/2019, một nữ sinh 20 tuổi vào thang máy để lên căn hộ ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì bị một người đàn ông không quen biết buông lời tán tỉnh, xin số điện thoại nhưng nữ sinh này từ chối.
Ngay sau đó, cô gái bị gã này dồn vào góc thang máy, ôm và hôn. Sau khi sự việc xảy ra, nữ sinh này tới cơ quan công an trình báo.
Tới trung tuần tháng 3/2019, cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt người đàn ông bị tố có hành vi sàm sỡ, cưỡng ép và ôm hôn cô gái trên với mức phạt 200 nghìn đồng, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Sau đó, dư luận phản ứng gay gắt với mức phạt trên và cho rằng số tiền phạt đó quá ít, không đủ sức răn đe, thậm chí nhiều người cho mức phạt đó chỉ như làm trò cười.