Ngày 5/8, tại buổi kiểm tra công tác phòng chống COVID-19 ở Bệnh viện 199 Bộ Công an, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc sử dụng công cụ truy vết tìm ra bệnh nhân, người xuất hiện gần F1 để cách ly thì xét nghiệm là một trong những biện pháp chủ đạo.
Theo ông Sơn, hiện có 2 loại xét nghiệm là xét nghiệm có thể phát hiện ra virus và xét nghiệm tính kháng thể trong máu của người được xét nghiệm.
Đối với Đà Nẵng, hiện 2 loại xét nghiệm này đang cần thiết do bệnh dịch lây tương đối lâu trong cộng đồng nên việc tìm ra người mang kháng thể rất quan trọng.
Bên cạnh đó vẫn đang còn những bệnh nhân có nguy cơ là bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng, qua đó phải sử dụng xét nghiệm RT-PCR để phát hiện những người bệnh này.
Đà Nẵng khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay, những ca dương tính SARS-CoV-2 ở Đà Nẵng rất đặc biệt vì có nhiều bệnh nhân nặng nên việc truy vết trong cộng đồng đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên gia. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng nguồn nhân lực ở TP Đà Nẵng thì rất cần sự chi viện từ Trung ương, từ các bệnh viện bạn đến để hỗ trợ.
“Đà Nẵng đã nâng công suất xét nghiệm lên đến 8.000-10.000 mẫu xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá rằng vẫn còn nhu cầu xét nghiệm thêm. Viện Pasteur TP.HCM đã cử một đội đem theo máy móc, trang thiết bị ra Bệnh viện 199 để hỗ trợ và đã đem lại kết quả ban đầu”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn cũng cho rằng, với công tác truy vết trong cộng đồng thì bên cạnh sự nỗ lực rất lớn từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Đà Nẵng, Bộ Y tế cũng cử một đội của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cùng các chuyên gia để hỗ trợ xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly trong khu dân cư và truy vết các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Đối với việc làm “sạch” các bệnh viện sau khi hết cách ly để tiếp nhận bệnh nhân trở lại, theo lãnh đạo Bộ Y tế, nếu đáp ứng yêu cầu thì dự kiến thời gian mở cửa Bệnh viện C Đà Nẵng là ngày 7/8.
Với 2 bệnh viện là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng sẽ thuộc thẩm quyền của UBND thành phố quyết định.
“Việc cách ly theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng là 14 ngày. Tôi hy vọng trong thời gian này, với sự nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng, của ngành Y tế và các lực lượng công an, quân đội... thì chúng ta sẽ làm giảm bớt được số ca mới mắc bệnh. Hy vọng 14 ngày chúng ta có thể kiểm soát được và thành phố sẽ có những bước chuyển. Có thể từ Chỉ thị 16 qua Chỉ thị 19 của Chính phủ”, ông Sơn nói.