Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thứ trưởng Bộ Y tế: Có địa phương 'ngại' mua máy móc, thiết bị do sợ bị xử lý

(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, một số địa phương đang có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật.

Báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với Bộ Y tế ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, những ngày qua, ông và lãnh đạo Bộ liên tục làm việc để nâng cao năng lực xét nghiệm.

Trong đó, quan trọng nhất là xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR, hiện cả nước có 175 phòng xét nghiệm với công suất gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất tối đa lên 290.000 mẫu đơn/ngày. Nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, một số địa phương đang có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch COVID-19 để các địa phương sớm triển khai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang thì nêu 8 “nghịch lý” của ngành y tế, trong đó có tình trạng ách tắc trong mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật cao tại nhiều cơ sở y tế; việc dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ bệnh viện công lập sang khu vực tư nhân do chênh lệch thu nhập; mục tiêu tăng tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng viên trên 1 vạn dân vướng quy định về biên chế…

Ông Quang đề nghị sửa đổi quy định liên quan mua sắm, đầu thầu tài sản công cũng như nghị định về đào tạo chuyên sâu phù hợp đặc thù của ngành y tế.

Đánh giá chung về ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo các xếp hạng toàn cầu, tiêu chí về chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam đứng trong top 50, tương đương với các nước có thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. 

Trong các thành tích nổi bật của ngành y tế, Phó Thủ tướng cho rằng ngành dược đạt được tiến bộ rất lớn khi giá thuốc ở Việt Nam từ chỗ cao thứ hai ASEAN đến nay đã xuống thấp nhất khu vực. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dưới 2% so với mức trung bình 7% ở ASEAN.

Nêu thực tế tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng trên 1 vạn dân của y tế Việt Nam thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phải tháo gỡ vướng mắc về biên chế, tự chủ thì các bệnh viện mới có cơ chế, nguồn lực để tuyển thêm bác sĩ, điều dưỡng viên. Ước tính theo nhu cầu hiện nay, số bác sĩ, điều dưỡng viên phải tăng gấp 3 lần.

“Thiếu bác sĩ, điều dưỡng viên nên các bệnh viện phải để người nhà vào chăm sóc gây nguy cơ lây nhiễm chéo, gây một số vụ việc mất trật tự, an toàn... Tới đây, với cơ chế tự chủ, tăng mệnh giá BHYT thì các bệnh viện sẽ tuyển được thêm bác sĩ, điều dưỡng viên, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Về lĩnh vực cơ chế tài chính dành cho y tế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan khẩn trương sửa đổi Nghị định 16; đẩy nhanh lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, từ đó tạo điều kiện để các bệnh viện được tự chủ toàn diện, đầy đủ.

“Phần ngân sách nhà nước tiết kiệm được từ tự chủ khối điều trị cần dành phần lớn cho khối y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng bệnh, hơn chữa bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

Liên quan đến công tác thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, tới đây Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ thiết lập, tăng cường hệ thống thông tin phục vụ phòng, chống dịch từ dưới lên trên, các bộ ngành phải báo cáo đầy đủ, liên thông dữ liệu vào hệ thống này.

Tại buổi làm việc, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định, an toàn tiêm chủng là vấn đề hết sức quan trọng, được người dân quan tâm.

Ông cho biết vừa qua ngành Y tế đã xử lý kịp thời hơn 10 trường hợp gặp phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19, nếu không xử lý kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường. Một giải pháp cụ thể được ngành triển khai là chuẩn bị sẵn Adrenalin tại các điểm tiêm chủng để khi sự cố xảy ra chỉ việc tiêm ngay thay vì mất công chuẩn bị thuốc chống sốc.

Xuân Trường

Tin mới