Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thử thách Momo - trò lừa được reo rắc trên mạng xã hội

Thông tin về trò Momo Challenge dạy trẻ con tự sát đang tràn lan trên mạng xã hội, nhưng không mấy ai thực sự bắt gặp hay từng xem nó.

Hình ảnh một phụ nữ có tên Momo với hình hài đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi đang tạo nên nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới. Đi kèm với hình ảnh đó là những bài viết cảnh báo về một "trò chơi tự sát" mang tên Momo Challenge với nội dung hướng dẫn bọn trẻ cách làm hại bản thân và đã có một số đứa trẻ chết vì làm theo.

Tuy nhiên, hàng loạt các trang báo lớn, từ BBC, Guardian ở Anh cho đến CNN, CBS... ở Mỹ đều đã lên tiếng khẳng định Momo Challenge chỉ là thông tin giả mạo, với các câu chuyện được cường điệu hóa để thu hút lượt xem, chia sẻ... trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.

Theo Vox, hoàn toàn dễ hiểu khi tin giả về Momo Challenge lại lan truyền dữ dội đến như vậy, bởi nó đánh vào nỗi sợ hãi của các bậc phụ huynh. Họ luôn lo sợ con em mình sẽ bắt gặp những nội dung độc hại trên Internet, nhưng họ lại có quá ít thời gian dành cho con, xem cùng con.

Họ vứt cho con điện thoại, máy tính bảng để mặc chúng xem video, chơi game trên đó, để mình có thể thảnh thơi làm việc khác mà không bị quấy rầy. Họ phó mặc cho những đơn vị cung cấp dịch vụ như YouTube trong việc kiểm duyệt nội dung và khi có vấn đề, họ quay sang chỉ trích nhà cung cấp.

Hình ảnh Momo thực sự gây ám ảnh với người nhìn thấy nó, dù là người lớn hay trẻ em. Cuối tháng 2, báo Telegraph cho biết "Thử thách Momo" bị phát hiện chèn bên trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite. Một số trường học tại Anh đã cảnh báo về Momo Challenge và khuyến cáo phụ huynh không nên để con em tự xem YouTube một mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy trẻ con bị xúi giục dẫn đến tự sát vì Momo Challenge. Chính những bậc phụ huynh lo lắng, thậm chí chưa từng xem video về Momo, đã làm cho hình ảnh về nhân vật đáng sợ và nguy hại này càng trở nên ồn ào.

 

Momo Challenge thực sự là một trò chơi nguy hại, nó bắt đầu được chia sẻ qua những dịch vụ nhắn tin như WhatsApp từ giữa năm 2018, dụ những đứa trẻ làm trò bạo lực, thậm chí tự tử. Tháng 8 năm ngoái, một số trang báo đăng tin về vụ tự tử của một cô bé 12 tuổi ở Argentina. Cảnh sát chưa bao giờ khẳng định vụ tự tử có mối liên quan tới Thử thách Momo. Nhưng sau đó, thông tin cứ lan truyền và reo rắc nỗi sợ hãi.

Bất ngờ cuối tháng 2/2019, Momo Challenge quay trở lại cùng nhiều bài viết khẳng định rằng hơn chục trẻ nhỏ đã tự tử vì làm theo. Tuy nhiên, lần này, các chuyên gia cho biết chưa có báo cáo nào về hậu quả từ "Thử thách Momo" đối với trẻ nhỏ và đây thực chất chỉ là sự hoang mang được chính người lớn phát tán. "Chúng là tin giả, đã được chỉnh sửa và đăng lên YouTube", đại diện Trung tâm An toàn Internet Anh (SIC) nói với Guardian.

Theo website kiểm tra thực tế Snopes, câu chuyện được "cường điệu hóa so với thực tế" và kẻ tạo ra nó chủ yếu dùng để "chơi khăm" người khác hoặc với mục đích lan truyền trên Internet. Hiệp hội quốc gia ngăn ngừa nạn ngược đãi thiếu nhi Anh (NSPCC) nhận được rất ít cuộc gọi thắc mắc về trào lưu trên từ phụ huynh, thay vào đó, chủ yếu lại từ giới truyền thông. Cảnh sát Anh cũng xác nhận chưa có bất kỳ trường hợp trẻ em tự hành hạ bản thân liên quan đến Momo được báo cáo.

Trước những lời cáo buộc, đại diện YouTube đã lên tiếng: "Chúng tôi chưa nhận được liên kết nào liên quan đến nội dung hiển thị hoặc quảng cáo về 'Thử thách Momo' trên YouTube. Đây là các nội dung vi phạm chính sách người dùng và sẽ bị xóa ngay lập tức sau khi đăng tải".

Tuy vậy, trong khi Momo Challenge được xác định là chuyện thêu dệt, thì cũng không thể phủ nhận trên YouTube Kids vẫn còn tồn tại các nội dung độc hại, lồng ghép trong các phim hoạt hình. Bác sĩ nhi người Mỹ Free Hess đã cung cấp một số bằng chứng cho thấy những nội dung hướng dẫn trẻ làm hại bản thân trên YouTube Kids. Chuyên gia James Bridle cũng cho hay, có nhiều hình ảnh không nên tồn tại như các nhân vật hoạt hình bị tra tấn dã man, hình ảnh công chúa khiêu dâm...

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc yêu cầu YouTube kiểm soát chặt chẽ nội dung, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về các phụ huynh trong việc giám sát con mình trên YouTube.

Theo Sở cảnh sát Bắc Ireland, các phụ huynh cần kiểm soát việc sử dụng Internet của con em, trong đó giới hạn thời gian, cài đặt ứng dụng chuyên dụng, kèm cặp và định hướng nội dung khi có thể. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là hạn chế cho chúng tiếp xúc với công nghệ số bằng trò chơi và hoạt động thực tế thay vì quá phụ thuộc Internet.

Trước lo lắng của phụ huynh và người dân, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) đã yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt các clip có nội dung độc hại để không còn tiếp tục xuất hiện trên Youtube.

Bên cạnh đó,Cục cũng yêu cầu Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát này xuất hiện trên YouTube thay vì chờ gỡ.

Trong trường hợp phát hiện ra những đoạn clip có nội dung bạo lực, hướng dẫn tự sát, người dân có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng: 0899.888.222 và 0896.888.222; hoặc ứng dụng Zalo/Viber/Whatsapp: 0899.888.222 và 0896.888.222; thư điện tử: online.abei@mic.gov.vn và hotline.abei@mic.gov.vn.

Hoàng Anh

Tin mới