Bà Lê Thị Phi Ánh (1925 - 1986) được gọi là thứ phi của Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Đây chỉ là cách gọi của dân gian, bởi thứ nhất, về mặt danh chính ngôn thuận, Bảo Đại theo chế độ một vợ một chồng, không có tam cung lục viện như các vua triều trước nên không có vị phi tần nào. Thứ hai, bà Phi Ánh đến với Bảo Đại khi ông không còn là hoàng đế nữa.
Tuy nhiên, xét theo mức độ sủng ái, sự gắn bó và công khai của mối quan hệ, người ta vẫn hay gọi người tình này của Bảo Đại là thứ phi. Bảo Đại dường như cũng coi bà là một trong những người vợ lẽ của mình.
Cái tát dành cho cựu hoàng
“Thứ phi” Phi Ánh sinh ra trong gia tộc danh giá, giàu có ở Huế. Cha bà từng làm quan lớn triều Nguyễn, bác ruột là ông Lê Quang Thiết, phò mã của vua Thành Thái. Bà Phi Ánh xuất thân trong một gia đình tử tế và giàu có với nhiều nhà cửa và biệt thự tại Huế. Bà Ánh gọi bà Lê Thị Kim Lộc (bà ngoại của giáo sư Phan Lương Cầm) là cô ruột.
Bà có vẻ đẹp đặc biệt so với phụ nữ Việt Nam thời đó, vóc dáng cao ráo, làn da trắng, đường nét gương mặt khá Tây với sống mũi cao và đôi mắt sắc. Vì vậy, không khó hiểu khi dù có nhiều tình nhân, Bảo Đại vẫn dành tình cảm đặc biệt cho người phụ nữ này. Tuy nhiên, chính tính cách và sự kiêu hãnh của bà mới khiến người đàn ông đào hoa này say bà mê mệt.
Nhan sắc bà Phi Ánh thời trẻ.
Bà Phi Ánh gặp Bảo Đại tại Đà Lạt năm 1949 khi 24 tuổi, vào thời điểm ông mới về nước. Chính người anh rể nổi tiếng - ông Phan Văn Giáo, Thủ hiến Trung Phần những năm 1949 – 1955, giới thiệu bà cho cựu hoàng. Sau khi ân ái, Bảo Đại thưởng cho người đẹp một số tiền lớn nhưng rồi lập tức choáng váng khi nhận về một cái tát. Mỹ nhân tuyên bố "muốn làm thứ phi của hoàng đế, chứ không phải là gái làm tiền". Nghe vậy, Bảo Đại chẳng những không giận mà còn trân trọng, yêu quý Phi Ánh hơn.
Mặc dù thân phận, vị trí của Phi Ánh không hoàng tộc nhà Nguyễn không thể so với với Mộng Điệp, “thứ phi” được Thái hậu Từ Cung công nhận và yêu mến, nhưng bà cũng rất được Bảo Đại coi trọng, hoàn toàn khác với vô số tình nhân “gió thoảng mây bay” của ông. Là người rộng rãi, chi tiêu phóng khoáng, với các người tình được sủng ái nhất, cựu hoàng thường mua tặng biệt thự, tuy nhiên ngôi biệt thự dành cho bà Phi Ánh năm 1950 là đặc biệt hơn cả.
Công trình được người Pháp xây dựng theo kiến trúc Tây Ban Nha vào năm 1928, chủ yếu dùng đá chẻ, có lối đi rộng nối các căn nhà và những ô cửa lớn dáng vòm cao, bên trong trưng bày các bức tượng vũ nữ, tường có 12 phù điêu hai mặt.
Chân dung vua Bảo Đại và "thứ phi" Phi Ánh khi còn trẻ được treo tại phòng khách biệt thự tại Đà Lạt.
“Thứ phi” Lê Thị Phi Ánh sinh liên tiếp 2 con chỉ sau một thời gian ngắn sống với Bảo Đại. Trong đó, hoàng nữ Phương Minh sinh năm 1950 và hoàng nam Bảo Ân sinh năm 1951.
Hồng nhan bạc phận
Năm 1955, Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lật đổ, sống lưu vong, và đây là biến cố làm cuộc đời “thứ phi” Phi Ánh cùng các con bà rẽ sang một hướng khác đầy gian truân, sóng gió. Chính quyền Diệm tịch thu các biệt thự ở Pháp, Sài Gòn, Đà Lạt nên ba mẹ con không có chỗ ở, người quen cũng không thể chứa chấp lâu dài nên họ phải sống nay đây mai đó, lúc thuê chỗ này, khi trọ chỗ kia. Để có nơi nương tựa, bà nhận lời lấy một người đàn ông, nhưng hôn nhân không hạnh phúc. Quan hệ giữa con trai bà với bố dượng cũng không được tốt.
Sau năm 1975, bà Phi Ánh đi kinh tế mới vài năm ở Tây Nguyên. Năm 1978, chồng bà vượt biên thành công sang Mỹ và gửi giấy về bảo lãnh mấy mẹ con. Tuy nhiên, lúc đấy con trai bà đã lấy vợ nên không đủ điều kiện được bảo lãnh đi Mỹ. Bản thân bà sau đó mắc bệnh ung thư nên kế hoạch di cư bị trì hoãn và đến năm 1986 thì qua đời trong cô độc tại TP.HCM, thọ 61 tuổi. Bà ra đi trước người tình nổi tiếng của mình 11 năm.
Bà Nguyễn Phúc Phương Minh, con gái cựu hoàng Bảo Đại và "thứ phi" Phi Ánh.
Con gái bà, hoàng nữ Nguyễn Phúc Phương Minh, kết hôn năm 1969 với ông Johns Trần Sỹ Hiệp (sinh năm 1945) rồi theo chồng sang Pháp lập nghiệp. Họ không ăn đời ở kiếp được với nhau nên đã ly dị và không có con chung. Trước tháng 4/1975, hoàng nữ Phương Minh về nước thăm mẹ, sau khi mẹ mất mới sang Mỹ định cư. Bà qua đời năm 2012.
Con trai bà Phi Ánh, hoàng nam Nguyễn Phúc Bảo Ân từng được bà nội – Thái hậu Từ Cung đưa về Huế ăn học một thời gian sau khi Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lật đổ. Lớn lên, Bảo Ân từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, ông nhiều lần vượt biên không thành nên sống tại TP.HCM cho đến năm 1992, khi được gia đình bên vợ bảo lãnh đi Mỹ. Người con trai này của cựu hoàng Bảo Đại trải qua những năm tháng kiếm sống chật vật bằng nhiều nghề, như bỏ mối hàng ở chợ trời, làm may…
Vị hoàng nam này có quan hệ rất thân thiết với bà Mộng Điệp, “thứ phi” khác của Bảo Đại, họ xem nhau như mẹ con. Bảo Ân hiện là người con trai duy nhất còn sống của Bảo Đại. Sau cái chết của hoàng tử Bảo Thắng (con của Nam Phương Hoàng hậu) năm 2017, ông đã trở thành người đứng đầu của hoàng tộc nhà Nguyễn.
Về phần ngôi biệt thự nổi tiếng của bà Phi Ánh ở Đà Lạt, sau năm 1975, nó được phân cho khoảng 30 hộ dân làm chỗ ở và dần xuống cấp trầm trọng. Nhiều năm sau, một nhà đầu tư đã bỏ tiền mua lại và khôi phục nguyên trạng, đưa vào kinh doanh du lịch. Ngôi nhà đổi chủ nhiều lần và hiện nay là nhà hàng Phù Đổng. Giới kiến trúc sư đánh giá cao nó về độ độc đáo, có thể sánh với 4 công trình đặc trưng của Đà Lạt gồm Trường cao đẳng Sư phạm, nhà ga, nhà thờ Con Gà và Cục Bản đồ.