Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào chiều 2/12, trả lời vấn đề hiện vẫn còn 4 tuyến thu phí đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ nay đến hết 31/12 chưa thể hoàn thành việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí như yêu cầu của Thủ tướng.
Dự án thu phí tự động không dừng ETC liên tục “vỡ” tiến độ, không thành công chính là do cách tổ chức triển khai chưa hiệu quả.
Như vậy là sau nhiều lần “xin hứa”, xin gia hạn của Bộ GTVT và đặc biệt là tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 25/11 bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT, trong đó có việc thu phí không dừng, tổng kết cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiên quyết yêu cầu, đến 31/12/2020 các trạm BOT chưa vận hành thu phí tự động sẽ phải dừng hoạt động.
Nhiều trạm trên các tuyến giao thông trọng điểm chưa triển khai
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện tại, giai đoạn 1 của dự án thu phí tự động không dừng, có 38/44 trạm đã lắp đặt vận hành tối thiểu hai làn thu phí không dừng ở mỗi chiều đường. Còn lại 5 dự án của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới chỉ có dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt thu phí không dừng, số còn lại chưa lắp đặt xong là do chưa có kinh phí để triển khai thực hiện do VEC đang thực hiện tái cơ cấu.
“Lý do thiếu vốn và phải huy động vốn của VEC do phải có ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban cũng phải chờ tái cơ cấu doanh nghiệp. Đối với 33 trạm giai đoạn 2 của dự án, hiện nay có 25 trạm đã được 20 nhà đầu tư quản lý ký phụ lục hợp đồng thu phí tự động không dừng”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trước đó, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, VEC, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và các nhà đầu tư BOT về triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án thu phí đường bộ.
Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 vào chiều 2/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ nay đến hết 31/12 chưa thể hoàn lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí như yêu cầu của Thủ tướng.
"Các chủ đầu tư các dự án thu phí đường bộ căn cứ phương án đầu tư, vận hành tại các trạm thu phí, phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ khẩn trương triển khai lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại các cửa thu phí còn lại đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về thu phí đường bộ tự động không dừng," Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT yêu cầu tổ chức đàm phán để ký kết hợp đồng dịch vụ với chủ đầu tư các dự án thu phí đường bộ đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, tuân thủ các quy định hiện hành.
Quá ít xe ô tô dán thẻ, nạp tiền sử dụng ETC
Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), sau gần 5 năm triển khai, tới nay mới chỉ có gần 1 triệu xe ô tô dán thẻ thu phí tự động không dừng (E-tag) trên tổng số 3,8 triệu ô tô cả nước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Đặc biệt, mới chỉ có 400.000 trong tổng số 1 triệu phương tiện ô tô đã dán thẻ nạp tiền sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Còn theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 1 dự án thu phí tự động không dừng (BOO1), tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) mới chỉ đạt khoảng 40% trong tổng số gần 1 triệu xe ô tô đã dán thẻ.
Được biết, tại tất cả các dự án của VEC mới chỉ có dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt thu phí không dừng, số còn lại chưa lắp đặt xong là do chưa có kinh phí để triển khai.
Nguyên nhân được ông Vinh chỉ ra là do công tác truyền thông chưa hiệu quả, khách hàng chưa quan tâm, chưa thấy được lợi ích của dịch vụ thu phí tự động không dừng. Chỉ những chủ phương tiện nào bị CSGT nhắc nhở mới đi dán thẻ.
Hiện VETC cử người đi đến tận các Bộ, ngành để dán thẻ. VETC đã ký hợp đồng với các Trung tâm đăng kiểm nhưng các trung tâm không mặn mà vì mức phí thấp và dán sai sẽ bị phạt. Ngoài kênh dán thẻ tại các trạm thu phí, thậm chí VETC đã đến tận các tòa nhà chung cư để dán thẻ nhưng không hiệu quả.
"Cần tuyên truyền rõ hiệu quả và xử phạt của CSGT chủ phương tiện dán thẻ và sử dụng, tỷ lệ dán thẻ sẽ thay đổi. Thường là khách hàng nào đã sử dụng dịch vụ thì họ sẽ biết cách nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng. Hiện tài khoản ngân hàng đã liên thông và tự động trích nạp tiền vào tài khoản giao thông của người dân để thanh toán thu phí tự động không dừng, thay vì phải nạp thủ công như trước đây", ông Vinh đề xuất.
Trách nhiệm là của Bộ GTVT
Nhiều người dân và chuyên gia giao thông đặt câu hỏi, việc Bộ GTVT liên tục xin lùi thời hạn thu phí không dừng qua các trạm BOT phải chăng là cố tình trì hoãn để thu phí thủ công nhằm tránh sự kiểm soát của nhà nước.
Trong tổng số 33 trạm thuộc quản lý của 22 nhà đầu tư BOT nhưng đến nay mới có 9 nhà đầu tư BOT đang quản lý 16 trạm thu phí ký hợp đồng thu phí tự động không dừng với nhà cung cấp dịch vụ.
“Bộ GTVT nhiều lần nói lý do chưa đủ kinh phí để đầu tư thiết bị là chưa thỏa đáng. Vì trên thực tế trạm BOT đã tiến hành thu phí từ lâu, thậm chí có công trình chưa hoàn thành cũng đã thu. Vậy tiền thu được vì sao không đầu tư thiết bị? Phải chăng có khúc mắc gì ở đây chưa thỏa thuận được với nhau nên chậm triển khai. Đề nghị Bộ GTVT làm rõ vấn đề này, cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT", ông Hồ Ngọc Đức, có xe khách chạy tuyến Hà Nội-Vinh nêu ý kiến.
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, thu phí tự động không dừng giúp rút ngắn thời gian, minh bạch, quản lý tiện lợi... đó là những lợi ích không ai phủ nhận được và các nhà đầu tư BOT chắc chắn phải thực hiện. Tuy nhiên, việc thu phí tự động không dừng đã kéo dài 5 năm nhưng tiến độ quá chậm trễ. Bản thân Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT phải xem xét lại trách nhiệm quản lý Nhà nước của mình.
"Dự án thu phí tự động không dừng không thành công đó chính là do cách tổ chức triển khai không tốt. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra ký kết hợp đồng BOO phải chịu trách nhiệm với sự không thành công này, không phải chỉ có lỗi của nhà đầu tư, mà ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, mà ở đây là trách nhiệm chính thuộc về Bộ GTVT", PGS.TS Trần Chủng nói.