Bà Tân Vlog được biết đến là người chuyên làm các clip về những món đồ ăn “siêu to, khổng lồ” như: "Cốc sinh tố dưa hấu khổng lồ"; "Xúc xích khổng lồ siêu cay"; "Sữa chua nếp cẩm siêu to khổng lồ"; "Bánh mỳ kẹp trứng đà điểu siêu to khổng lồ",...
Các video của bà Tân thường được quay ngay tại khoảng sân nhà, với nội dung đơn giản và bằng những thiết bị cũng đơn giản không kém (điện thoại + tripod).
Bà Tân Vlog với những sản phẩm "khổng lồ".
Thế nhưng, lượng người xem lên đến hàng triệu của kênh vlog Bà Tân luôn là ước mơ của mọi nhà sản xuất nội dung.
Phân tích thành công của Bà Tân, nhiều người cho rằng sự tự nhiên và nét chân chất của nguời phụ nữ nông thôn này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên thiện cảm từ phía người xem.
Bà Tân cũng rất biết cách “câu view” khi khéo tạo trend “món ăn khổng lồ” nhờ kinh nghiệm lâu năm của người con trai làm YouTube. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận rằng may mắn đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của người phụ nữ này.
Sau khi lọt vào top 3 kênh YouTube đạt nút vàng (1 triệu người theo dõi), ngày 7/6, kênh Bà Tân Vlog chính thức được bật chức năng kiếm tiền đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Tuy không tiết lộ cụ thể về mức thu nhập bao nhiêu, nhưng dựa vào đơn giá Google trả cho lượt xem tại thị trường Việt Nam (0,3-0,7 USD/1.000 lượt xem), có thể tính sơ bộ với mỗi 1 triệu lượt xem các clip đưa lên YouTube, bà Tân Vlog có thể thu về được từ 300-700 USD.
Kênh YouTube của bà Tân hiện đã có hơn 3 triệu lượt theo dõi, mỗi tháng đăng tải khoảng 10 - 15 video, mỗi video đều có khoảng 1-3 triệu lượt xem. Vì vậy, mỗi tháng bà Tân có thể kiếm được số tiền từ 300 triệu đồng từ quảng cáo trên YouTube.
Sổ tiền 0,3-0,7 USD/1.000 lượt xem tại Việt Nam là mức khá thấp so với các thị trường khác. Nguyên nhân là do người dùng YouTube Việt Nam thường ở độ tuổi trẻ (không phải người ra quyết định mua hàng) và thường xuyên sử dụng thủ thuật để “cày view”, tỷ lệ chuyển hóa thành đơn hàng bởi đối tượng này không cao.
Những video có người xem đến từ các nước Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thường có giá khoảng 4 - 8 USD/1.000 lượt xem, tùy theo chủ đề do họ có thói quen xem YouTube để mua hàng.
Các chủ đề trực tiếp liên quan đến sản phẩm và người mua (công nghệ, y tế,...) luôn có giá tiền được trả cho mỗi lượt xem cao hơn các chủ đề về trẻ em, giải trí.