Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 96,6 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện 9 tháng đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019 (ngân sách trung ương ước đạt 60,4% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 69,8% dự toán).
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 64,5% dự toán.
Thu nội địa tháng 9 ước đạt 80 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng 8. Lũy kế 9 tháng ước đạt 812,4 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2019 và ở mức thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.
Thống kê cho thấy, thu từ dầu thô trong tháng 9 ước đạt 2 nghìn tỷ đồng, giảm 330 tỷ đồng so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng ước đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78,2% dự toán, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 ước đạt 14,57 nghìn tỷ đồng. Tổng số thu thuế đạt gần 25 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 640 tỷ đồng so tháng 8, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 10,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng ước đạt 134,55 nghìn tỷ đồng, bằng 64,7% dự toán, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2019, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, bằng 66,8% dự toán, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2019; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 91,3 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 125 nghìn tỷ đồng, đáp ứng các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn và xử lý kịp thời các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai.
Luỹ kế chi NSNN 9 tháng đạt 1.113,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vẫn theo Bộ Tài chính, chi trả nợ lãi đạt gần 80,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên đạt 756,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Tài chính cho hay, giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chuyển biến tích cực, số vốn giải ngân 9 tháng đầu năm đạt gần 269,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán, nhưng so với yêu cầu vẫn ở mức thấp, còn một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp.
Về chi hỗ trợ cho phòng dịch COVID-19, theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 24/9/2020, ngân sách đã chi khoảng 17,49 nghìn tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch này.
Cụ thể, ngân sách chi 4.920 tỉ đồng để thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19 và 12.570 tỉ đồng hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng.
Trong đó, ngân sách trung ương đã trích 3,92 nghìn tỷ đồng bổ sung cho các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và hỗ trợ cho 27 địa phương; các địa phương đã chi 1 nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến việc thu ngân sách gặp khó khăn, theo Bộ Tài chính, do nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân càng khiến số thu ngân sách sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và đến nay chưa hồi phục được.