"Joshua bị bắt khi đang trình báo với đồn cảnh sát quận Central vào khoảng 12h (12h giờ Hà Nội). Vụ bắt liên quan đến việc tham gia vào một cuộc tụ tập trái phép ngày 5/10 năm ngoái. Anh cũng bị cho là vi phạm luật chống người biểu tình đeo khẩu trang", theo bài đăng trên tài khoản Twitter chính thức của Joshua Wong.
Jonathan Man, luật sư của Joshua Wong sau đó xác nhận Wong bị bắt khi trình báo cảnh sát liên quan đến một vụ án khác. "Wong bị cáo buộc tham gia tụ tập bất hợp pháp khi hàng trăm người tuần hành để phản đối lệnh cấm đeo mặt nạ, khẩu trang mà chính quyền ban hành", luật sư cho hay.
Tháng 11 năm ngoái, Tòa án tối cao Hong Kong phán quyết lệnh cấm người biểu tình đeo khẩu trang, mặt nạ hay sơn vẽ lên mặt là vi hiến.
Thủ lĩnh phong trào "ô dù" Hong Kong Joshua Wong trả lời phóng viên hồi tháng 10/2019. (Ảnh: Reuters)
Wong trở thành thủ lĩnh của phong trào biểu tình "ô dù" do sinh viên lãnh đạo vào năm 2014 nhằm phản đối Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu Hong Kong năm 2017. Phong trào được gọi là biểu tình "ô dù" do người tham gia mang theo ô để che mưa, nắng và bảo vệ trước hơi cay.
Joshua Wong thành lập đảng Demosisto năm 2016 và cho biết một trong những mục tiêu của đảng này là đòi quyền tự quyết cho đặc khu Hong Kong sau năm 2047. Đây là thời điểm hết hiệu lực của Tuyên bố chung Trung - Anh, trong đó quy định Hong Kong được quyền duy trì hệ thống pháp lý và tiền tệ riêng, độc lập với Trung Quốc đại lục theo mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" trong thời hạn 50 năm kể từ khi đặc khu được trao trả vào năm 1997.
Tuy nhiên, Wong rời Demosisto và đảng cũng giải tán hồi cuối tháng 6, vài giờ sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong. Joshua Wong từng bày tỏ lo ngại sẽ bị "nhắm mục tiêu" khi luật an ninh Hong Kong có hiệu lực. Wong cho rằng các nhà báo, nhóm nhân quyền, tổ chức phi chính phủ và người nước ngoài cũng có thể trở thành mục tiêu của luật an ninh mới với tội danh kích động lật đổ chính quyền.
Luật an ninh Hong Kong hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong khẳng định luật an ninh mới củng cố nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" và chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhỏ, trong khi quyền lợi, tự do của người Hong Kong cũng như lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều các nước châu Âu chỉ trích luật này, gọi đây là sự hủy hoại tự chủ, tự do của Hong Kong và làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".