Trong cáo trạng truy tố 13 cựu cán bộ, chiến sĩ Công an phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), VKSND TP.HCM xác định từ năm 2018 đến tháng 4/2020, các bị can đã bắt giữ 51 người nghi phạm tội về ma túy. Khi làm việc, các bị can không xử lý những người này theo quy định mà yêu cầu họ gọi cho gia đình mang tiền đến nộp để được thả về.
VKS xác định số tiền mà các bị can yêu cầu nghi can hoặc người thân của những người vi phạm "chung chi" dao động từ 1,5 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Nhận cả tiền lẫn vàng để chạy án
Phi vụ đầu tiên được thực hiện vào khuya một ngày trung tuần tháng 7/2018. Hôm đó, Lê Quang Tuấn bị cựu công an Lê Đình Vũ bắt giữ do tàng trữ ma túy gần một quán bar ở phường Phú Thọ Hòa.
Sau khi Tuấn bị đưa về trụ sở, có người gọi điện thoại thông báo cho gia đình nghi can đến làm việc. Khi ông Hòa (bố của Tuấn) có mặt, bị can Vũ đã yêu cầu gia đình chi 100 triệu đồng để công an thả Tuấn về, không xử lý.
Ông Hòa khai quá trình thương lượng, Vũ đồng ý nhận 50 triệu đồng từ gia đình và hơn 10 triệu đồng trong ví của Tuấn. Ngày hôm sau, vợ chồng ông Hòa đến trụ sở Công an phường Phú Thọ Hòa trao tiền cho một người mặc thường phục. Sau đó, Tuấn được thả về.
Tối 2/3/2019, 2 cựu công an Lê Đình Vũ và Nguyễn Đăng Chiến tham gia bắt giữ Nguyễn Đăng Quang do tàng trữ ma túy tại hẻm 38 Nguyễn Sơn. Tại trụ sở công an phường, Quang năn nỉ xin được xử phạt hành chính 30 triệu đồng nhưng bị can Chiến không đồng ý.
Sau đó, cựu công an Võ Quang Kế đã "hướng dẫn" người vi phạm gọi điện thoại về cho người thân mang 100 triệu đồng đến chạy án. Khuya 2/3, sau khi mẹ của Quang giao tiền cho một người mặc đồ bảo vệ dân phố thì Quang được cho về nhà.
Công an phường ở TP.HCM tham gia bắt giữ một người vi phạm. (Ảnh: N.H)
Theo VKSND, ngoài nhận tiền để không xử lý người vi phạm, các bị can còn đồng ý lấy cả trang sức vàng của gia đình người nghi phạm tội về ma túy. Cụ thể, đêm 8/12/2019, Lê Đình Vũ và Võ Quang Kế bắt giữ Lê Minh Cường có hành vi tàng trữ ma túy tại một khách sạn.
Quá trình làm việc, bị can Nguyễn Đức Hiền đã yêu cầu người thân của Cường mang 200 triệu đồng đến giải quyết. Sau khi thỏa thuận với người nhà Cường, Hiền đồng ý lấy 140 triệu đồng và 2 chỉ vàng. Khi giao dịch, Hiền đã hướng dẫn đối phương đặt tiền, vàng trong nhà vệ sinh của trụ sở công an.
VKSND TP.HCM làm rõ trong những người bị công an phường Phú Thọ Hòa đưa về trụ sở, 4 trường hợp khai đã bị lực lượng chức năng yêu cầu đưa 200 triệu đồng/người. Số còn lại trình bày đã bị gợi ý đưa tiền từ 1,5 triệu đồng đến 150 triệu đồng.
Nhiều bị can phủ nhận "vòi tiền"
Quá trình điều tra, các bị can Phan Văn Hòa và Lê Văn Quý (2 cựu phó trưởng công an phường) thừa nhận họ biết việc đơn vị mình lập tổ công tác bắt giữ, đưa về trụ sở để ghi lời khai đối với những người có dấu hiệu phạm tội về ma túy.
Hai bị can trên khai đã trao đổi với ông Phạm Thanh Tuấn (Trưởng công an phường Phú Thọ Hòa). Tuy nhiên, do nể nang, ngại va chạm và sợ bị trù dập nên họ không báo cáo các sự việc cho Công an quận Tân Phú.
Trong khi đó, nhiều bị can là cựu cán bộ công an phường phủ nhận cáo buộc đã đặt vấn đề yêu cầu nghi can hoặc người nhà đưa tiền chạy án.
Cựu công an Nguyễn Đăng Chiến khai chỉ tham gia ghi lời khai, lập biên bản một số trường hợp bị bắt giữ. Sau đó, Chiến bàn giao cho ca trực, không "vòi" tiền của ai. Còn Nguyễn Đức Hiền trình bày việc giải quyết cho người vi phạm ra về được thực hiện khi có chỉ đạo của Ban chỉ huy công an phường. Hiền cũng phủ nhận đã nhận tiền của người nhà nghi can.
Bị can Lê Đình Vũ khai Trưởng công an phường Phạm Thanh Tuấn là người đề ra chủ trương khuyến khích cấp dưới mặc thường phục đi tuần tra. Việc thả người bị bắt giữ ra về do ông Tuấn quyết định, chỉ đạo.
Đối với cựu Trưởng công an phường Phạm Thanh Tuấn, bị can này bác những lời khai của cấp dưới. Ông Tuấn cho rằng bản thân không chỉ đạo việc bắt giữ những người có dấu hiệu phạm tội về ma túy và không có cán bộ cấp dưới nào báo cáo với ông ta việc này. Ông Tuấn cũng trình bày công an phường không có chủ trương, không thành lập các tổ công tác chuyên bắt giữ người liên quan đến ma túy.