Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ đoạn của tội phạm lừa đảo mua bán người ra nước ngoài, bóc lột tình dục

Bọn tội phạm dùng tên giả lên mạng xã hội dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.

Tại phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2017 do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 23/8, Bộ Quốc phòng nhận định tại khu vực biên giới, tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam-TQ, Việt Nam-Campuchia.

Các đối tượng hoạt động thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

90% nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay thời gian qua, cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 1.000 vụ án với hơn 2.000 bị can liên quan đến việc mua bán người. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là gần 3.100 người, trong đó số nạn nhân chưa trở về là 519 người.

Theo báo cáo của Bộ Công an, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn... “Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 98%, trong đó chủ yếu là bán sang Trung Quốc (TQ, chiếm trên 90%). Đa số nạn nhân là phụ nữ, khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%) và cưỡng bức lao động” - báo cáo nêu rõ.

 Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. (Ảnh: GIA HÂN)

Báo cáo của Bộ Quốc phòng cũng nhận định tại khu vực biên giới, tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam-TQ, Việt Nam-Campuchia. Các đối tượng hoạt động thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

“Chúng triệt để lợi dụng công nghệ thông tin để lừa gạt nạn nhân, như thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, Webchat.... Chúng dùng tên giả, địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên để lừa bán ra nước ngoài; lừa gạt thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động ở nước ngoài, cho/nhận con nuôi...” - báo cáo nêu.

Kinh phí và suất ăn hẻo cho nạn nhân

Bàn về kinh phí chi cho hoạt động phòng, chống tội phạm buôn người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Nguồn lực là câu chuyện rất có vấn đề. Chúng tôi rất muốn biết từ năm 2012 đến 2017, về thực chất, chúng ta đầu tư bao nhiêu tiền cho công tác này. Trong đó, tiền chi cho bộ máy là bao nhiêu, tiền chi cho nạn nhân chiếm bao nhiêu. Nếu tiền chi cho bộ máy chiếm phần lớn, tiền chi cho nạn nhân không đáng kể là có vấn đề”.

Giải trình sau đó, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết 720 tỉ đồng là số kinh phí được Chính phủ phê duyệt cho chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015. “Đó là phê duyệt nhưng đến nay quá trình thực hiện không đạt được” - ông Vương nói và cho biết thống kê sơ bộ, ngân sách trung ương dành cho trên dưới 8 tỉ đồng/năm dùng để chỉ đạo, hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ cho một số địa phương và các lực lượng chức năng...

Video: Làm người yêu có thai nhưng không cưới, đem bán sang Trung Quốc

Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhận xét việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về có rất nhiều hạn chế. Theo quy định, khi nạn nhân được giải cứu sẽ được hỗ trợ ban đầu, được tư vấn tâm sinh lý, sức khỏe, trợ giúp pháp lý, học nghề... Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiều địa phương chưa quan tâm. Bà Phương Hoa kể bà chứng kiến nạn nhân sau khi được tiếp nhận trở về chỉ ở trung tâm từ một đến hai ngày, hầu như chưa được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ gì nhiều, lập tức đã bị đưa về địa phương, gia đình. Trung tâm này sau đó hầu như không nắm được bất cứ thông tin gì của các nạn nhân.

Bà Hoa phản ánh một nạn nhân được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày. “Mức ăn này chỉ đủ sức để cầm hơi, thoi thóp, không phù hợp với nạn nhân vừa trở về, bị suy kiệt, thậm chí chỉ có một bộ quần áo trên người, đói rét, bao nhiêu ngày băng rừng vượt suối để quay trở về Việt Nam” - bà Hoa dẫn chứng.

Còn theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, toàn bộ chương trình mục tiêu trợ giúp xã hội năm 2016-2020 mà Nhà nước, Chính phủ phê duyệt thông qua bộ này chỉ có 38 tỉ đồng, dành cho năm năm. “Tiền ăn 30.000 đồng/ngày, một tháng 900.000 đồng, thấp nhưng không thấp hơn so với những đối tượng khác. Bảo trợ xã hội cho các đối tượng khác như người già, trẻ em, người tàn tật, người cô đơn mỗi tháng chỉ có 540.000 đồng...” - ông Dung nói, đồng thời thừa nhận mức chi này là thấp. “Chúng tôi sẽ bàn lại với Bộ Tài chính để tăng thêm, chứ thấp thế này không sống nổi” - ông Dung hứa.

Mua bán nội tạng ẩn dưới hình thức hiến tặng

Theo thông tin có được từ báo cáo của các cơ quan hữu quan của TP Cần Thơ, địa phương này có tám trường hợp nạn nhân là nam giới bị lừa qua TQ bán thận.

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi về thực trạng mua bán người nhằm mục đích buôn bán nội tạng. Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định cơ quan điều tra chưa thụ lý điều tra vụ án nào về mua bán nội tạng. Tuy nhiên, ông Vương thừa nhận việc mua bán nội tạng có xảy ra trên thực tế. “Chủ yếu tôi nghĩ là tự nguyện. Tôi biết có thông tin có người sang TQ tự nguyện bán thận...” - ông Vương nói.

“Tôi rất tiếc là đến nay chúng ta chưa xử vụ nào. Bản chất vấn đề, chúng tôi theo dõi là có nhưng ẩn dưới hình thức tự nguyện hiến tặng” - Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói.

Nguồn: plo.vn

Tin mới