10 năm trước, Lê Quang Tử (SN 2000, hiện du học tại Canada) biết đến những con bọ cánh cứng qua truyện tranh của Nhật Bản. Những con bọ với nhiều hình dạng, kích thước, màu sắc đã hấp dẫn cậu bé 12 tuổi.
Đam mê
Quang Tử tìm kiếm những mẫu bọ có ở trong nước để quan sát, nuôi, chăm sóc. Cứ thế, thú vui nuôi, chăm sóc bọ cánh cứng của Quang Tử lớn dần rồi trở thành niềm đam mê bất tận.
Nam thanh niên mê bọ cánh cứng đến nỗi khi sang Canada du học vẫn tiếp tục theo đuổi thú chơi này. Tại đây, Quang Tử không chỉ chăm sóc, nuôi bọ cánh cứng mà còn trở thành một Beetle Breeder (người gây giống bọ cánh cứng) thực thụ.
Quang Tử cùng cặp thú cưng là hai con bọ kẹp kìm Lucanus cervus, loại bọ cánh cứng nổi tiếng nhất thế giới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Tôi chơi bọ cánh cứng từ năm 2012. Sau khi sang Canada du học, tôi vẫn tiếp tục chơi. Với tôi bây giờ, nuôi bọ cánh cứng trở thành niềm đam mê rồi. Tuy nhiên, hiện tôi chú trọng việc cho bọ sinh sản, nuôi ấu trùng và bọ trưởng thành hơn”, Quang Tử chia sẻ.
Trong khi đó, Trần Văn Quang (25 tuổi, Đà Lạt, Lâm Đồng) lại đến với thú chơi bọ cánh cứng như một cách ôn lại kỷ niệm tuổi thơ. Lúc còn bé, Quang thường được bố, anh trai bắt cho các loại bọ cánh cứng dễ tìm về nuôi.
Văn Quang đến với thú chơi bọ cánh cứng như một cách để gợi nhớ kỷ niệm tuổi thơ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Càng nuôi, Quang càng thích loài côn trùng có ngoại hình oai vệ, dữ dằn này. “Khi đến TP.HCM học và được một người bạn giới thiệu con bọ kiến vương, tôi nhớ đến lúc nhỏ hay được ba bắt loại bọ này cho chơi. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu và chơi bọ cánh cứng”, Quang nói.
Cũng theo nam thanh niên, hiện nay, thú chơi bọ cánh cứng trong nước khá phát triển. Người chơi hình thành các nhóm, cộng đồng chơi bọ cánh cứng với số lượng thành viên đông đảo. Tại đây, người chơi trao đổi kinh nghiệm nuôi, chăm sóc loại côn trùng này.
Tại TP.HCM, Nguyễn Huỳnh Anh Kiệt (21 tuổi) được xem là người có bộ sưu tập tiêu bản bọ cánh cứng đầy giá trị. Kiệt bắt đầu chơi tìm hiểu về thú vui nuôi bọ cánh cứng từ năm 2015 và xem những con bọ của mình là thú cưng thực sự.
Kiệt chia sẻ: “Lúc đó tôi mê lắm, chăm bọ và xem nó như thú cưng. Ở nước ngoài, thú chơi này rất phát triển. Người nuôi xem các con bọ của mình như thú cưng và đầu tư rất nhiều cho nó. Điển hình như ở Nhật Bản, Thái Lan…
Tại các quốc gia này, người ta xây hẳn một căn phòng có những trang thiết bị hiện đại chỉ để nuôi, chăm bọ cánh cứng. Ở nước ta, người chơi ngoài việc đầu tư lồng nuôi, thức ăn… còn phải sắm tủ lạnh để tạo ra nhiệt độ đúng với môi trường sống của chúng ngoài tự nhiên. Do đó, thú chơi này khá tốn kém”.
Hiện nay, loài thú cưng này được rao bán trên các chợ ảo, nhóm, hội chơi bọ cánh cứng. Ngoài các loại bọ cánh cứng phổ thông, dễ tìm, có thể mua tại Việt Nam, người chơi còn đầu tư tiền bạc để nhập khẩu bọ quý, hiếm từ nước ngoài.
Anh Kiệt và một góc nhỏ trong bộ sưu tập tiêu bản bọ cánh cứng giá trị của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tùy vào theo màu sắc, kích thước, độ hiếm gặp… giá của các loại bọ cánh cứng dao động từ vài trăm nghìn đồng đến trên chục triệu đồng/con.
Bảo tồn
Chơi bọ cánh cứng nhiều năm, Quang Tử nhận thấy nhiều loại bọ quý hiếm, đang trên bờ vực tuyệt chủng. Thế nên, nam sinh viên đau đáu việc bảo tồn loại côn trùng này.
Ngoài việc chỉ sưu tầm, nuôi các loại bọ ngoại nhập, khi sang Canada, Quang Tử dần biến thú chơi của mình thành đam mê nghiên cứu, bảo tồn các loại bọ cánh cứng hiếm gặp. Đó là lý do Quang Tử trở thành một Beetle Breeder.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ấu trùng sinh trưởng, Quang Tử đầu tư, cho chúng ở trong tủ lạnh riêng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Quang Tử chia sẻ: “Công việc của Beetle Breeder có thể tóm gọn theo chu trình sau: Thu thập cặp bọ trưởng thành giống – cung cấp dinh dưỡng – tiến hành ghép đôi – thiết kế địa điểm lý tưởng cho bọ cái đẻ - thu hoạch thành quả - cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng - ấu trùng sau nhiều lần lột xác thành bọ - tiếp tục chu kỳ lại từ đầu với lứa F1”.
Với các loài bọ sinh sản nhiều, dễ phát triển, sau khi thu hoạch lứa F1, Quang Tử đem thả vào tự nhiên. Đối với các loài cực hiếm hoặc khó sinh sản, Tử chỉ kịp giữ lại nuôi rồi ghi chép những quan sát hàng ngày của mình để đóng góp vào các nghiên cứu khoa học.
“Ví dụ như lúc cho bọ cái sinh sản, tôi ghi chép lại từng thế hệ từ đời F1, F2, F3… Tôi ghi chép luôn nơi thu mẫu, xuất xứ, nhiệt độ thức ăn, cách bọ giao phối, thời gian ấu trùng sinh trưởng…”, Quang Tử nói thêm.
Với cách làm này, hiện nay, Quang Tử đang sinh sản thành công dòng bọ kẹp kìm Lucanus cervus. Đây là loài bọ cánh cứng nổi tiếng nhất, rất hiếm gặp, có giá thành cao và chỉ xuất hiện ở thị trường châu Âu.
Cùng mong muốn bảo vệ các loài bọ cánh cứng quý hiếm thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng, Văn Quang cũng chọn cách vừa chơi vừa bảo tồn. Quang chủ động không tìm mua, sưu tầm các loại bọ quý hiếm, nằm trong sách đỏ.
Ngoài ra, nam thanh niên cũng cố gắng nuôi, cho bọ quý sinh sản rồi thả lại tự nhiên. Quang chia sẻ: “Quá trình nuôi, cho bọ sinh sản đôi khi rất mất thời gian vì nhiều loài, vòng đời của nó từ lúc còn là trứng đến bọ trưởng thành kéo dài cả năm trời”.
“Suốt quá trình này, người nuôi phải quan sát, chăm sóc ấu trùng rất cẩn thận, tỉ mỉ. Nhiều loài cần được ngủ đông nên ngoài việc cung cấp thức ăn, người nuôi còn phải đầu tư tủ lạnh để chứa ấu trùng, đợi nó phát triển”, Quang nói thêm.
Những người chơi bọ cánh cứng thực thụ luôn tìm nhiều cách khác nhau để bảo vệ loại côn trùng này. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Trong khi đó, Anh Kiệt lại chọn cách bảo tồn bọ quý bằng cách sưu tầm các loài bọ đã chết để làm tiêu bản. Hiện, Kiệt đang sở hữu bộ sưu tập trên 200 tiêu bản bọ cánh cứng các loại. Việc này giúp nam thanh niên có thể lưu giữ hình ảnh thật về những loài bọ đã tuyệt chủng hoặc biến mất trong tự nhiên.
Là những người chơi bọ cánh cứng thực thụ, Quang Tử, Anh Kiệt, Văn Quang… đều không đồng tình việc người chơi săn tìm, nuôi nhốt các loại bọ quý hiếm, nằm trong sách đỏ. Không chỉ thế, những bạn trẻ này đều cố gắng lan tỏa thông điệp bảo vệ các loại bọ quý thông qua việc nuôi, bảo tồn bọ hiếm gặp.