“Vệ tinh CARTOSAT 2F nặng hơn 700 kg của Ấn Độ đã tiếp cận tàu vũ trụ Kanopus-V của Nga một cách nguy hiểm”, Roscosmos dẫn dữ liệu từ hệ thống cảnh báo tự động được thiết kế để theo dõi các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn trong quỹ đạo gần Trái đất cho biết.
Cơ quan vũ trụ Nga cho biết khoảng cách giữa 2 vệ tinh chỉ là 224 m - khá gần so với tiêu chuẩn không gian.
Không gian ngày càng chật hẹp. (Ảnh: Global Look Press)
Tuy nhiên, Tổ chức Nghiên cứu Không gian của Ấn Độ (ISRO) phủ nhận bất cứ nguy cơ va chạm nào.
Người đứng đầu ISRO, K. Sivan trích dẫn dữ liệu của cơ quan này cho biết khoảng cách giữa 2 vệ tinh là "khoảng 420 m".
Ông này nói thêm rằng phía Ấn Độ sẽ điều chỉnh nếu thấy khoảng cách giữa 2 vệ tinh là 150 m, đồng thời khẳng định những sự cố như trên không phải là hiếm.
Cả hai vệ tinh đều là thiết bị viễn thám.
Vụ va chạm vệ tinh gần đây xảy ra vào năm 2009 khi vệ tinh Iridium 33 nặng 545 kg của Mỹ lao vào vệ tinh viễn thông Kosmos-2251 nặng 1 tấn của Nga.
Sự cố mới đây thêm một lần nữa phản ảnh thực trạng các đường quỹ đạo quanh Trái đất đang ngày càng chật chội đến mức các vệ tinh có thể đâm vào nhau. Hệ quả tạo ra những đám mây mảnh vụn cực kỳ nguy hiểm.
Theo ước tính, có khoảng 2.000 đến 3.000 vệ tinh hiện đang quay quanh Trái đất. Một số nhà phân tích dự đoán con số này sẽ tăng gấp 5 lần trong vòng 10 năm tới do sự phát triển chóng mặt của thông tin liên lạc.
Vệ tinh không phải là những vật thể duy nhất trong vũ trụ. Rất nhiều rác không gian, từ các vệ tinh chết, mảnh vỡ của các con tàu vũ trụ cho đến các bộ phận của tên lửa đẩy cũng đang chiếm một không gian không nhỏ trong vũ trụ.
Hồi tháng 10, Roscosmos từng cảnh báo nguy cơ xảy ra vụ va chạm giữa vệ tinh Nga và phần thân tên lửa đẩy đã qua sử dụng của Trung Quốc
Dù hai vật thể này đã không còn hoạt động, vụ va chạm có thể đe dọa các nhà du hành vũ trụ trong tương lai.
“Nếu xảy ra va chạm, sự kiện này có thể tạo ra từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn mảnh rác vũ trụ… Mức độ nguy hiểm tiềm tàng từ những vụ nổ như thế có thể lớn hơn nhiều so với con người có thể tưởng tượng”, theo ông Dan Ceperley, tổng giám đốc của mạng lưới theo dõi vệ tinh LeoLabs cho hay.
Theo NASA, hơn 22.000 mảnh rác vũ trụ có kích thước lớn hơn 10cm đang quay quanh Trái đất trong khi số lượng vật thể nhỏ hơn có kích thước khoảng 1cm có thể đạt mức hàng chục triệu.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng việc tích tụ thêm rác không gian có thể dẫn tới hội chứng Kessler. Kessler có thể khiến quỹ đạo Trái đất hoặc ít nhất là một số phần của nó trở nên lộn xộn đến mức các nỗ lực không gian trong tương lai trở nên khó khăn hơn, thậm chí là không thể thực hiện.