Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thớt nhựa hay thớt gỗ tốt cho sức khỏe hơn?

(VTC News) -

Chất lượng và tình trạng vệ sinh của thớt có ảnh hưởng quan trọng đến sự an toàn của gia đình, vậy thớt nhựa hay thớt gỗ tốt cho sức khỏe hơn?

Thớt là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gian bếp. Hầu hết mọi người tập trung quan tâm vào các dụng cụ nhà bếp khác như dao, chảo, nồi... mà ít để ý đến thớt, trong khi nó đặc biệt quan trọng vì là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn.

Thớt nhựa hay thớt gỗ tốt cho sức khỏe hơn?

Các loại thớt tiện nay thị trường hiện nay rất đa dạng về chất liệu, màu sắc và kiểu dáng. Nhìn chung, thớt nhựa và thớt gỗ là hai loại phổ biến, được lựa chọn nhiều nhất. Để biết thớt nhựa hay thớt gỗ tốt cho sức khỏe hơn, chúng ta cần so sánh hai loại này trên nhiều khía cạnh. 

Dùng thớt nhựa hay thớt gỗ tốt cho sức khỏe hơn? (Ảnh: Goog Morning America)

Thớt gỗ kháng khuẩn tốt hơn

Thớt gỗ được làm từ vật liệu tự nhiên nên thường được ưa chuộng hơn vì khi dùng nó, thức ăn sẽ ít tiếp xúc với các nguyên tố hóa học hơn so với khi sử dụng thớt nhựa. Các chất kháng khuẩn tồn tại trong gỗ có tác dụng ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn trên mặt thớt.

Theo báo Tiền Phong, trong một nghiên cứu, GS Dean O. Cliver, chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học California (Mỹ) đã nuôi cấy vi khuẩn salmonella trên thớt nhựa và thớt gỗ mới sử dụng, sau đó dùng giẻ rửa bát làm sạch thớt với xà phòng, nước nóng.

Với thớt gỗ, vi khuẩn sẽ bị hút xuống dưới các rãnh trên bề mặt, nơi chúng không sinh sôi được nữa và thậm chí bị chết. Ngay cả ở những thớt gỗ cũ có rãnh sâu, mức độ tồn tại của vi khuẩn vẫn thấp.

"Có thể bạn sẽ nghĩ vi khuẩn nằm dưới các rãnh sẽ dính trở lại vào thức ăn khi chúng ta dùng dao băm chặt", Cliver nói. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông cho thấy vi khuẩn không xuất hiện trở lại trên bề mặt thớt, ngay cả khi thức ăn được băm chặt nhiều lần bằng lưỡi dao sắc.

GS Dean O. Cliver từng làm thí nghiệm để so sánh thớt nhựa hay thớt gỗ tốt cho sức khỏe hơn. (Ảnh: Reader's Digest)

Trong khi đó, những cái thớt làm bằng nhựa dù đã được làm sạch và khử trùng vài lần thì vẫn còn vi khuẩn  "Với thớt nhựa, dù đã rửa dưới vòi nước nóng thì các vi khuẩn trong rãnh vẫn sống được. Máy rửa bát cũng không giải quyết được vấn đề vì vi khuẩn không chết đi mà lắng đọng, bám dính trở lại trên chén bát bên trong máy rửa bát.

Ngay cả khi dùng các loại nước khử trùng (như thuốc tẩy Clo) thì vẫn có vi khuẩn sót lại trong rãnh thớt", Cliver nói.

Một nghiên cứu tương tự cũng cho thấy, trừ khi được ngâm thuốc khử trùng suốt đêm, thớt nhựa cực kỳ dễ dính bám cặn bã khó tẩy rửa từ các loại thức ăn. Những loại cặn bã này là môi trường lý tưởng để vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi.

Thớt gỗ khó chùi rửa hơn

Thớt gỗ đòi hỏi người dùng mất nhiều thời gian hơn trong khâu làm sạch, chùi rửa sau khi sử dụng. Bạn nên dùng nước ấm hòa cùng nước rửa bát để chùi, sau đó rửa sạch và khử trùng bằng chất khử trùng dành riêng cho thớt gỗ.

Hãy tránh xa các chất khử trùng có nguồn gốc Clo vì chúng có thể gây hại cho gỗ. Sau chùi rửa xong, bạn hãy lau khô thớt bằng khăn và để nó khô hoàn toàn trong không khí trước khi cất.

Thớt gỗ nếu tiếp xúc với nhiệt độ hoặc độ ẩm kéo dài sẽ có thể bị cong vênh, nứt, thậm chí bị gãy.

Thớt gỗ sau khi sử dụng nên được chùi rửa bằng nước ấm hòa với xà phòng để làm sạch vi khuẩn.  (Ảnh: The home Depot)

Đối với thớt nhựa, công việc làm sạch đơn giản hơn. Thớt nhựa có thể chịu được nhiệt độ cao của máy rửa bát mà không bị cong vênh, do đó bạn có thể cho vào máy.

Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên cho thớt nhựa vào máy rửa bát để vệ sinh thì độ bền của nó sẽ kém đi, do đó bạn có thể phải thay thế nó thường xuyên.

Thớt nhựa có thể cho vào máy rửa bát để vệ sinh mà không sợ bị cong vênh. (Ảnh: Serious Eats)

So sánh một số yếu tố khác

Nhiều người thích thớt gỗ hơn vì nó có nhiều thiết kế hấp dẫn, cũng có thể sử dụng để trang trí một số món ăn như thịt nướng, phô mai…

Thớt gỗ còn có thể dùng để trang trí món ăn. (Ảnh: Amazon UK)

Thớt nhựa được làm từ polyetylen hoặc polypropylen, màu sắc phong phú, giúp bạn dễ dàng phân loại cái nào dùng cho thịt sống, cái nào dùng cho rau..., giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo.

Tùy thuộc vào vật liệu, thớt nhựa có thể mềm hoặc cứng; tuy nhiên nhựa phải mất thời gian rất dài mới phân hủy, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Thớt gỗ nếu được bảo quản và vệ sinh đúng cách sẽ dùng được khá lâu. Ngược lại, thớt nhựa có thời gián sử dụng không cao vì dễ bám dính vết bẩn.

Vậy nên dùng thớt gỗ hay thớt nhựa? Bạn hãy tự quyết định dựa vào việc so sánh các ưu, nhược điểm của hai loại thớt trên đây cũng như nhu cầu, điều kiện của gia đình nhé. Nhưng riêng với câu hỏi "thớt nhựa hay thớt gỗ tốt cho sức khỏe hơn" thì đáp án chính là thớt gỗ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đều khuyên người dân dùng các loại thớt từ gỗ thích (còn gọi là gỗ maple, chất liệu thường được dùng làm thớt ở Mỹ) hoặc các loại gỗ cứng khác.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thớt gỗ cũng sẽ hại sức khỏe nếu bạn không vệ sinh đúng cách. Cliver đưa ra lời khuyên: "Đừng để cặn bã của thực phẩm bám cáu trên bề mặt thớt. Ngay sau khi sử dụng, cần phải làm sạch luôn".

Nguyệt Ánh (Tổng hợp)

Tin mới