Hồi tháng 8, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ban hành sắc lệnh chi 356 triệu USD để mua và tiến tới sản xuất vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển.
Trong khi đó, Thống đốc Joao Doria của Sao Paulo - bang giàu nhất Brazil lại tích cực thúc đẩy vaccine CoronaVac do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Một số chuyên gia cho rằng đây là động thái chuẩn bị sớm của ông Doria cho cuộc tranh cử Tổng thống năm 2022.
Tranh cãi về vaccine ở Brazil bắt đầu nổ ra từ tháng 10 khi ông Bolsonaro phủ quyết thỏa thuận giữa Bộ Y tế nước và chính quyền Sao Paulo về việc mua 46 triệu liều CoronaVac. Nhà lãnh đạo Brazil khẳng định chính phủ của ông sẽ không mua vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc phát triển hay đưa chúng vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Viện Butantan có trụ sở tại Sao Paulo gần như đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với CoronaVac. Viện này cũng cho biết đang hợp tác với ông Doria để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc sản xuất hàng loạt.
Thống đốc Joao Doria (trước) và Tổng thống Jair Bolsonaro (sau). (Ảnh: Amazon Ssatual)
Brazil vẫn đang chìm trong khủng hoảng vì COVID-19. Nước này hiện là vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới với hơn 6,7 triệu ca bệnh và 179.000 người thiệt mạng.
Một số thống đốc bang, bao gồm cả ông Doria chỉ trích kế hoạch tiêm chủng liên bang vì không đảm bảo nguồn cung vaccine đa dạng. Dimas Covas, người đứng đầu Viện Butantan hồi tháng 8 cho biết cơ quan của ông đã đàm phán với Argentina, Colombia và Tổ chức Y tế Liên Mỹ để cung cấp vaccine CoronaVac.
Hôm 10/12, Covas tiết lộ đã có thêm nhiều quốc gia tỏ ra quan tâm với vaccine này. Ngoài ra, 11 bang của Brazil cũng liên hệ với Butantan liên quan tới việc mua CoronaVac.
Áp lực đang gia tăng với ông Bolsonaro khi các quốc gia khác trong khu vực đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung vaccine của họ.
Hồi đầu tuần, ông Doria cho biết việc triển khai vaccine trên toàn tiểu bang sẽ bắt đầu vào ngày 25/12 với tổng cộng 18 triệu liều sẽ được phân phối. Tuy nhiên, điều này sẽ không được thực hiện nếu không được cơ quan quản lý sức khỏe của Brazil chấp thuận.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố của ông Doria, Anvisa tỏ ra ngạc nhiên và lo ngại rằng việc đưa ra một thời điểm nhất định sẽ làm mất hiệu lực các đánh giá liên tục về vaccine.
Cơ quan này nhắc tới hai rào cản trước khi vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp là việc đánh giá nhà máy sản xuất vaccine ở Trung Quốc vẫn đang diễn ra và kết quả thử nghiệm giai đoạn ba của Viện Butantan vẫn chưa được đệ trình.
Hôm 8/12, Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello - một đồng minh của ông Bolsonaro cho biết Anvisa cần khoảng 60 ngày để phê duyệt vaccine và hãng đầu tiên được phê duyệt sẽ là AstraZeneca.
Trước tuyên bố này, ông Doria khẳng định chính quyền liên bang "có ý thức hệ và chính trị đối lập với CoronaVac".
Đáp trả, ông Pazuello khẳng định chính phủ sẽ mua bất cứ vaccine nào có giá hợp lý được Anvisa phê duyệt.
Trong cuộc phỏng vấn sau đó, vị Bộ trưởng nhấn mạnh chính phủ liên bang đã đạt được một thỏa thuận với hãng dược Pfizer của Mỹ và việc sử dụng khẩn cấp vaccine có thể sớm bắt đầu.
Về phần mình, ông Doria cho biết dữ liệu cuối cùng về các thử nghiệm giai đoạn ba sẽ được đệ trình vào tuần tới và Anvisa cam kết đưa ra quyết định trong 30 ngày.
Trong suốt cuộc tranh cãi giữa Thống đốc Sao Paulo và Tổng thống, Anvisa nhiều lần khẳng định sẽ đánh giá vaccine dựa trên các tiêu chí khoa học thay vì chính trị.
Ông Doria không ít lần đặt câu hỏi về tính độc lập của Anvisa, nói rằng cơ quan này không nên bị bắt làm con tin bởi lợi ích của chính phủ liên bang, văn phòng tổng thống hoặc một hệ tư tưởng.
Ông Bolsonaro, một cựu đại úy quân đội đã đề cử cựu trung tá Jorge Kormann vào một vị trí trong Hội đồng quản trị của Anvisa vào tháng trước.
Nếu đề cử này được thông qua, ba trong số năm giám đốc của Anvisa sẽ là đồng minh của ông Bolsonaro.
Brazil, quốc gia có dân số lớn thứ năm thế giới cần hơn 400 triệu liều nếu chính phủ thực hiện lời hứa tiêm chủng cho toàn bộ dân số vào cuối năm tới.
Ông Pazuello cho biết AstraZeneca sẽ cung cấp 260,4 triệu liều, trong đó 100,4 triệu sẽ dược chuyển đến trong nửa đầu năm 2021 và 160 triệu trong nửa sau.
70 triệu liều sẽ đến từ Pfizer và sáng kiến COVAX do WHO dẫn đầu sẽ cung cấp 42,5 triệu liều.
Hôm 10/12, thư ký điều hành của Bộ Y tế Brazil Elcio Franco cho biết vaccine của Pfizer và CoronaVac được xếp ngang hàng và đang chờ Anvisa phê duyệt.