Mùa hè, mùa của những cơn mưa ở các tỉnh Nam Bộ cũng là mùa của những cây trâm chín rộ, cho trái căng mọng. Dọc huyện Tri Tôn, An Giang, không khó để bắt gặp hình ảnh những vườn trâm mọc dưới chân núi, trâm mọc rải rác trên những cánh đồng, trâm mọc thành hàng ven đường tỉnh lộ.
Mùa mưa là thời điểm cây trâm chín rộ. (Ảnh: hongngocha)
Những trái trâm chín mọng đầy hấp dẫn. (Ảnh: Nguyễn Sang)
Với những người con vùng Bảy Núi, quả trâm là cả một tuổi thơ theo chân chúng bạn vào mỗi chiều tà, hái cho đầy nón lá rồi tụ lại chia nhau thành quả. Những trái trâm chín đen bóng, to tròn, mọng nước, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát rất đặc trưng chính là thức quà vặt tuổi thơ không gì sánh được.
Trâm gắn bó với tuổi thơ của người dân Tri Tôn, An Giang. (Ảnh: Nguyễn Sang)
Với người lớn, trâm là của trời cho. Bởi trâm mọc tự nhiên, lớn lên thành cây cho bóng mát, làm chỗ tụ tập vui chơi của bọn trẻ con. Khi trâm chín rộ cũng là thời điểm diễn ra mùa Vía Bà ở Châu Đốc.
Lượng khách du lịch đổ về đây là cơ hội để bà con An Giang đem trâm ra bán, kiếm thêm thu nhập. Trong ký ức của nhiều người, không thể thiếu vắng hình ảnh hàng trăm các bà, các chị thi nhau bán trâm vào ngày Vía Bà.
Trâm là lộc trời cho, giúp người dân có bóng mát và nguồn thu ổn định vào những ngày Vía Bà. (Ảnh: hongngocha)
Những đứa trẻ con theo bà, theo mẹ đi đến đây cốt để vui, để tận hưởng không khí lễ hội náo nhiệt trong khi miệng vẫn đang nhấm nháp vị chua ngọt của trái trâm quê nhà. Tất cả những điều đó đã góp phần tạo nên những kỷ niệm thời thơ ấu đẹp đẽ không bao giờ quên của những người dân nơi đây.
Các bà, các mẹ thường bán trâm dọc lề đường. (Ảnh: Huyền Thoại)
Ngày nay, trái trâm đã trở thành đặc sản của An Giang. Ngoài cách ăn truyền thống, nhiều du khách mua trâm về để trộn với muối ớt giã nhỏ, tạo nên món ăn vặt đậm đà chẳng kém gì xoài xanh, cóc non hay cà na chấm muối ớt.
Trâm trộn muối ớt là một món ăn vặt cực kỳ hấp dẫn. (Ảnh: hongngocha)
Có những người An Giang xa quê, thường hay mua trâm về rửa sạch, ướp chung với đường và muối ớt rồi cho vào tủ lạnh để dành cả tuần, khi nào thèm lại lấy ra ăn một vài trái hoặc dầm với đá đường để cảm nhận được hương vị dân dã quen thuộc mà vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê, nhớ nhà.
Trâm ngâm đường có thể bảo quản dài ngày. (Ảnh: Bếp Ấm Thanh Nhàn)
Mùa hè đã đến, nếu bạn và gia đình đang lên kế hoạch cho một chuyến đi về An Giang thì đừng quên ghé mua trâm để thưởng thức một chút dư vị tuổi thơ của người dân địa phương nhé.