Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thói quen dùng tăm xỉa răng và những mối nguy hại khôn lường

(VTC News) -

Dùng tăm xỉa răng là nguyên nhân khiến răng thưa, lệch, chảy máu chân răng, thậm chí nếu vô tình để tăm rơi vào cổ họng sẽ rất nguy hiểm.

Theo BS CKII Phạm Thị Thùy - khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh), thói quen dùng tăm tre để xỉa răng hay ngậm tăm sau khi ăn tưởng chừng là việc làm bình thường nhưng lại rất nguy hiểm. Đặc biệt là trong trường hợp ngậm tăm rồi ngủ quên, khiến tăm rơi vào cổ họng, trở thành dị vật đường thở. 

Thói quen dùng tăm cũng là nguyên nhân gây ra những vấn đề sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe răng miệng. Điển hình như: Viêm lợi, mòn răng, tổn thương men răng, hôi miệng hay làm mất cấu trúc răng khiến răng bị lệch lạc.

Viêm lợi

Việc sử dụng tăm thường xuyên sẽ làm tăng khoảng cách giữa hai răng, khiến răng bị yếu, lỏng lẻo. Những khoảng hở này chính là môi trường tốt để vi khuẩn và thức ăn bám vào gây bệnh.

(Ảnh minh họa)

Mòn răng

Khi dùng tăm xen vào giữa các kẽ răng để loại bỏ thức ăn thừa, sẽ vô tình tạo ra sự cọ sát, mài mòn, dẫn đến chảy máu lợi và mắc kẹt thức ăn bên trong nhiều hơn.

Dần dần, chính sự tác động mạnh của những chiếc tăm thô cứng sẽ làm các khe hở giữa hai chiếc răng rộng hơn, tình trạng mắc răng càng trở nên nghiêm trọng.

Tổn thương men răng

Nhiều người do tâm lý nhanh chóng muốn loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa ra khỏi kẽ răng mà đâm, chọc nhiều lần gây tổn thương men răng và lợi trầm trọng,

Hôi miệng

Việc xỉa răng không thể loại bỏ hoàn toàn được thức ăn mắc trong những kẽ răng. Lượng thức ăn này tồn tại lâu trong kẽ răng, phân hủy gây ra những mùi hôi khó chịu, khiến bạn bị hôi miệng.

Bác sĩ Thùy khuyến cáo, dùng tăm xỉa răng là thói quen không tốt, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng như: Viêm chân răng, sâu răng, viêm nướu… Mọi người nên loại bỏ thói quen này càng sớm càng tốt. Thay vào đó, mọi người nên dùng chỉ nha khoa và đánh răng thường xuyên, đúng phương pháp tối thiểu 2 lần/ngày để có một hàm răng  khỏe mạnh.

Ngoài ra, nếu không may bị hóc hoặc khi có hiện tượng ho, khó thở sau hóc, sặc dị vật (tăm) trong họng, người bệnh không được tự ý dùng tay móc hoặc sử dụng các phương pháp chữa mẹo. Hành động này sẽ khiến tăm rơi sâu vào họng, gây tổn thương và khó khăn cho quá trình điều trị về sau.

“Việc cần làm lúc này là đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và lấy dị vật, tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu để lâu, dị vật sẽ gây thủng đường tiêu hóa, gây viêm loét, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh”, BS Thùy nhấn mạnh.

Phạm Quý

Tin mới