Những câu chuyện truyền kỳ về tính bùn xỉn của Đạo Quang (1782 – 1850, vị hoàng đế thứ 8 của Thanh triều, Trung Quốc) có lẽ ra đời từ sự bất mãn của quan lại và hậu cung do yêu cầu tiết kiệm nghiêm ngặt của ông. Điều đáng buồn cho vị hoàng đế này là bất chấp nỗ lực cắt giảm chi tiêu, quốc khố thời ông trị vì vẫn lâm vào tình trạng khủng hoảng, nguy cấp.
Tiệc sinh nhật hoàng hậu chỉ một bát mỳ
Nếu như ông nội, Hoàng đế Càn Long, nổi tiếng với cuộc sống xa hoa, tiêu tiền như nước thì Đạo Quang lại vô cùng tiết kiệm. Tính tiết kiệm của ông bị coi là thái quá, đến mức bủn xỉn. Những câu chuyện về thói keo kiệt của ông được lan truyền khắp nơi và khiến cho ai nghe cũng phải “trợn mắt há mồm”.
Người trong hậu cung, trừ hoàng hậu và thái hậu, còn lại đều phải ăn uống kham khổ, chỉ đến ngày lễ mới có thịt. Theo lệ, vào khoảng 16h, các cung được phát bánh, nhưng bánh vừa cứng vừa lạnh rất khó ăn. Mọi người đành phải pha trà nóng để ăn cùng.
Bữa ăn của chính hoàng đế, hoàng hậu cũng chẳng thịnh soạn hơn bao nhiêu. Thường mâm ngự thiện của các vua nhà Thanh có mấy chục món, thậm chí hàng trăm món, nhưng Đạo Quang khi đến lượt mình làm chủ hoàng cung đã cắt giảm còn 4 món mặn và một món canh. Nhờ đó, chi phí giảm chỉ còn khoảng 1/6 so với các đời vua trước, nhưng vẫn tốn đến 140 lạng bạc mỗi bữa nên nhà vua vô cùng xót ruột.
Đạo Quang vẫn biết thực phẩm dùng trong cung đều bị “đội giá” lên rất nhiều và không thể chấp nhận điều này. Mỗi lần định ăn món gì, ông thường sai học sĩ Tào Chấn Dung ra hỏi giá ở hàng quán bên ngoài rồi nhăn nhó than trong cung nấu đắt. Vì thế, ngự thiện phòng thời ông rất khó làm việc.
Thời Đạo Quang, các buổi tiệc lớn như mừng sinh nhật hoàng đế, hoàng hậu hay tiệc giao thừa, mừng năm mới, nguyên tiêu... hầu hết bị hủy bỏ. Trong một lần hiếm hoi Đạo Quang đế tổ chức tiệc mừng sinh nhật cho hoàng hậu, ông khiến quan khách đến dự hụt hẫng không nói nên lời khi thấy mỗi người chỉ được đãi một bát mỳ. Về nhà sau bữa tiệc, rất nhiều quan viên, mệnh phụ phải tự tìm đồ ăn thêm.
Hoàng đế Đạo Quang
Một chuyện mang tính thậm xưng hay được kể là vị hoàng đế này thèm trứng gà mà đành nhịn, khi được biết là quả trứng khi vào đến cung điện của ông thì giá là 5 lạng bạc. Nảy ra ý tự nuôi gà đẻ trứng, ông cũng đành ngậm ngùi từ bỏ ý định khi nô tài báo cáo giá một con gà mái là 24 lạng bạc.
Vì ăn uống kham khổ nên sau bữa tối, cả vua, hoàng hậu lẫn phi tần đều đi ngủ sớm, vừa để khỏi phát sinh ham muốn ăn uống vừa tiết kiệm dầu đèn, củi lửa cho việc thắp sáng.
Mỗi long bào không vá chằng vá đụp
Chuyện ăn đã kham khổ, chuyện mặc của hoàng đế Đạo Quang và gia đình ông cũng tằn tiện không kém. Các mỹ nhân trong cung không được cung cấp đồ trang điểm (riêng khoản cắt giảm này đã tiết kiệm được cả trăm vạn lạng bạc mỗi năm), cũng chẳng được mặc đồ đẹp, sặc sỡ. Đồ sờn rách thì phải vá để mặc chứ không thể vứt đi may cái mới như các đời vua trước.
Bản thân hoàng đế cũng chỉ mặc đồ cũ. Quần áo trên người ông đều đã được mặc nhiều năm, vá đi vá lại nhiều lần. Người ta nói rằng cả Hoàng đế Đạo Quang đế chỉ có duy nhất một bộ đồ không vá chằng vá đụp, đó là long bào.
Dân gian lưu truyền câu chuyện, một lần, Đạo Quang nhìn thấy hai miếng vá lớn trên quần của học sĩ Tào Chấn Dung bèn hỏi tiền vá là bao nhiêu. Khi Tào học sĩ nói hết 3 đồng thì hoàng đế nhảy dựng lên bảo: “Trời ơi, cũng hai miếng vá như vậy, tại sao Phủ Nội vụ tính của trẫm những 5 lạng bạc?“. Sau đó, nhà vua ra lệnh cho hậu cung từ tần phi đến cung nữ phải học may để tự vá quần áo rách, khỏi tốn tiền thuê.
Quan lại trong triều thì được lệnh không mặc y phục bằng tơ lụa, từ quần áo đến giày dép tốt nhất là làm từ vải bố. Hoàng đế thường khó chịu, bực bội khi nhìn xuống thấy có thần tử mặc đồ mới, và hài lòng ra mặt khi thấy vị quan nào đó mặc chiếc áo cũ sờn, vá nhiều lần. Để không bị vua “soi”, nhiều ông quan phải giả vờ cần kiệm bằng cách đắp thêm mấy miếng vá lên bộ trang phục lành lặn, thậm chí rất mới.
Nhân gian mỉa mai rằng triều thần văn võ nhà Thanh dưới thời Đạo Quang đế chẳng khác gì hai hàng ăn mày đứng chờ xin cháo thí.
Quốc khố vẫn trống rỗng
Thật ra, sự bủn xỉn của Đạo Quang bắt nguồn từ mục đích tốt, từ tinh thần trách nhiệm của một vị hoàng đế trong thời kỳ quốc khố cạn, quan viên đục khoét, lãng phí.
Ngay sau khi lên ngôi, ông ban hành ngự chế về tiết kiệm, yêu cầu đình chỉ việc tiến cống của các tỉnh, vì đặc sản địa phương như trái cây, rau dưa, lá trà, dược liệu … đều là mồ hôi, nước mắt của dân, bỏ lệ tiến cống sẽ giảm gánh nặng cho dân. Chưa kể việc vận chuyển đường xa gây lãng phí nhân công, tài lực. Vua cũng lệnh không xây thêm các cung điện, lầu các. Những kẻ đề xuất xây thêm sẽ bị xử tội. Tờ ngự chế viết: “Bách tính no đủ, quân vương có thể giàu, nhưng bách tính thiếu thốn, quân vương sao có thể đủ đầy?”.
Để tiết kiệm tối đa, thời Đạo Quang, hôn lễ cho các hoàng tử được tiến hành cực kỳ đơn giản. Của hồi môn của nhà gái cũng không được xa hoa, nếu trái lệ này thì chẳng những không được đáp lễ mà còn bị phạt. Vua cũng miễn cho các cô dâu việc dâng lễ vật lên bố mẹ chồng.
Chi phí gả công chúa không được vượt quá 2.000 lạng bạc trắng. Sính lễ của phò mã cũng được giảm, ngay cả lễ vật thiết yếu là “cửu cửu lễ” cũng được miễn. Về sau, vua khôi phục “cửu cửu lễ” vì muốn tránh cảm “đem con mình đi tặng không thiên hạ”, nhưng chỉ nhận lễ tượng trưng là “dê chín con”. Vua không đãi yến, thịt dê của phò mã được đưa đến Ngự thiện phòng, khách đến mừng chỉ được uống trà, hàn huyên vài câu rồi ra về.
Tuy ép cả bản thân và gia đình sống tằn tiện đến mức “vắt cổ chày ra nước”, Hoàng đế Đạo Quang cũng không thực sự kiểm soát được lối sống của thần tử. Khi không ở trước mặt vua, các quan vẫn sống xa hoa từ số tiền bạc tham nhũng, đục khoét.
Khi Đạo Quang trị vì, thời kỳ hoàng kim của Thanh triều, được gọi là Khang – Càn thịnh thế, đã trở thành dĩ vãng. Quốc khố cạn kiệt, triều mục nát, khởi nghĩa nông dân bùng nổ khắp nơi.
Để cứu vãn tình hình tài chính, nhà vua chỉ biết tiết kiệm mà không biết trị nước. Ngay cả chi phí quốc phòng, ông cũng ra sức mặc cả để cắt giảm. Khi chiến tranh thuốc phiện nổ ra, có quan viên dâng tấu xin tăng kinh phí xây dựng đội phòng thủ trên biển. Vừa nghe tới số tiền lớn phải bỏ ra, Đạo Quang đã hết hồn, kiên quyết từ chối. Hậu quả là người Anh liên tiếp xâm lấn, cuối cùng triều đình nhà Thanh phải ký kết “Điều ước Nam Kinh”, nhượng Hong Kong lại cho Anh bồi thường chiến phí cho Anh, Pháp mỗi nước 8 triệu lạng bạc.
Cuối thời Đạo Quang, tình hình tài chính nguy ngập. Chiến tranh thuốc phiện làm hao tổn đến 30 triệu lạng bạc chưa kể 16 triệu lạng bồi thường; cùng lúc Hoàng Hà vỡ đê, chi phí xử lý là 20 triệu lạng. Trong khi đó tổng thu ngân khố chỉ hơn 40 triệu lạng mỗi năm. Năm Đạo Quang 62 tuổi, ngân khố chỉ còn hơn 10 triệu lạng bạc tồn kho, thấp nhất kể từ khi Đại Thanh dựng triều đại của mình. Tuy nhiên 10 triệu lạng cũng chỉ là con số ảo, sự thực kho bạc đã trống rỗng.
Vì thế, cho dù tiết kiệm với mục đích tốt, Hoàng đễ Đạo Quang luôn bị mỉa mai khi người ta nhắc đến “đức tính” này của ông.