Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Thổi hồn' vào tre, lão nông xứ Quảng chế tác bàn ghế trăm triệu với 1 cánh tay

(VTC News) -

Từ các gốc tre sần sùi tưởng chừng như phế phẩm bỏ đi, qua đôi tay khiếm khuyết của lão nông xứ Quảng, tất cả được chắp nối để trở thành những bộ bàn ghế sang trọng.

Người thành công trong công cuộc "thổi hồn" vào gốc tre để viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường đó là ông Phan Văn Chánh (61 tuổi, trú xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Ông Chánh yêu tre làng đến độ như yêu máu thịt. Yêu tre, quý tre nên ông tỉ mẩn chẻ, vót hết mớ này sang mớ khác và cuối cùng là trình làng những bộ bàn ghế bằng tre vô cùng độc đáo.

Ông Chánh “cụt” và duyên nợ với tre

Tự bao đời qua, trong tâm trí của người dân Việt Nam, hình ảnh cây tre đã trở nên thân thuộc, in đậm ăn sâu vào tiềm thức. Từ dáng hình uốn lượn, tạo cảnh quan, bóng mát đến những vật dụng trong nhà, tre hiện diện giữa đời thường, mộc mạc và dung dị.

Cũng như nhiều người dân đất Việt, sinh ra ở vùng quê yên bình làng Hanh Đông, lão nông Phan Văn Chánh luôn yêu quý những rặng tre quê hương. Ông xem tre như máu thịt của mình.

Một ngày đầu hè, trời trút nắng gắt, nóng như nung. Phía trong khu xưởng nhỏ nằm nép mình bên dòng sông bên lở bên bồi, ông Chánh đang cặm cụi, tỉ mẩn tỉa tót những gốc tre xù xì để làm ra các bộ bàn ghế sang trọng, có giá trị về mặt nghệ thuật lẫn kinh tế.

Ông Phan Văn Chánh làm bàn ghế bằng gốc tre chỉ với một cánh tay.

Điều đặc biệt thu hút sự chú ý của chúng tôi chính là mọi công đoạn đều đổ dồn lên tay trái của lão nông. Chính nhờ cánh tay trái rắn chắc, khéo léo đã giúp ông Chánh “khai sinh” thân phận mới cho cây tre đậm chất làng quê.

Hỏi ra mới hay, một biến cố ập đến đã làm thay đổi cả cuộc đời ông Chánh. Đến bây giờ, ông vẫn còn ám ảnh ngôn khuôi về vụ tai nạn lao động xảy ra cách đây gần 40 năm khiến ông vĩnh viễn mất đi cánh tay phải.

Ông Chánh nhớ như in, vì say sưa vận hành máy ép mía, cánh tay phải của ông đã bị bộ phận nghiền mía nuốt chửng. “Thời khắc cánh tay phải lìa khỏi cơ thể là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất trong đời tôi. Khi tỉnh dậy với cơ thể không còn lành lặn, tôi thầm nghĩ số phận của mình xem như đặt dấu chấm hết”, ông Chánh bồi hồi nhớ lại.

Một thời gian sau, vực dậy sau biến cố cuộc đời, ông xin vào làm thủ kho của một lò gạch ở địa phương. Công việc dù nặng nhọc với một người khuyết tật nhưng mang lại cho ông niềm vui khôn xiết và cả niềm tin lớn lao khi bản thân không trở thành gánh nặng của vợ con.

Chọn sống cuộc đời tàn nhưng không phế, hàng chục năm liền, bên cạnh công việc ở lò gạch, ông còn tranh thủ vót thanh tre rồi đan lát, làm ra những thúng, rổ, rế…

Nụ cười của người đàn ông này dần hé mở khi sản phẩm làm ra được vợ mang ra chợ bày bán và luôn được bà con trong vùng ủng hộ. Dần dà, dân làng Hanh Đông đã quen thuộc với hình ảnh ông Chánh “cụt” làm bạn với các thanh tre bên mép sông gần nhà.

Chưa dừng lại, một cơ duyên tình cờ “gõ cửa” vào năm 2012, đã đưa cuộc đời ông rẽ sang một trang mới với vô vàn thử thách nhưng không kém phần thú vị.

Từ những gốc tre tưởng chừng như phế phẩm bỏ đi, qua tay ông Chánh lại được mang “thân phận” mới

Nhắc đến đây, ông Chánh hồi tưởng, trong một lần thấy bụi tre dưới chân cầu Quảng Đợi ở xã bên cạnh bị nước ngoạm trơ gốc, ông quan sát và cảm thương cho thân phận của gốc tre. Thời khắc ấy, một ý nghĩ vụt thoáng trong tâm trí ông: “Giá như mình biết cách biến gốc tre xù xì chẳng khác nào phế phẩm bỏ đi, thành cái gì đó hữu ích để lưu giữ thì sẽ hay biết bao...”.

“Liền sau ý nghĩ trên, tôi hình dung có thể biến gốc tre thành bàn ghế. Tôi mạnh dạn nghỉ việc ở lò gạch, bỏ cả việc đan thúng rổ để tập trung tâm trí, dồn toàn bộ sức lực bắt tay thực hiện ý tưởng chế tác bàn ghế từ những gốc tre bị lũ cuốn trôi. Điều này được tôi cụ thể hóa với bản vẽ chi tiết bộ bàn ghế bằng gốc tre”, ông Chánh tâm sự.

Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau, khi ánh bình minh còn chưa ló rạng, ông Chánh thức dậy với quyết tâm cao độ là sẽ thực hiện bằng được ý tưởng táo bạo này. Biến suy nghĩ thành hành động, ông hào hứng đi tìm kiếm những gốc tre phù hợp. Hơn 700 ngày cần mẫn tìm kiếm, ông Chánh đã in dấu chân mình trên nhiều vùng đất, chỉ để thu về những gốc tre bị lũ cuốn tấp bờ, tấp bụi. Thậm chí, khi chưa đủ số lượng cho mục tiêu của mình, ông bỏ tiền đi “săn” gốc tre.

“Khi thấy xe cộ thường xuyên chở gốc tre về nhà, chất lên thành đống cao, bà con ai nấy tặc lưỡi cho tôi là đồ dở hơi”, ông Chánh cười tươi và nói.

Bao năm qua, ông Chánh lùng sục khắp nơi để “săn” gốc tre.

Chính hành động “dở hơi” không giống ai, vào năm 2014, ông Chánh “cụt” đã cho ra đời bộ bàn ghế sang trọng không kém đồ gỗ xịn sò. Mục sở thị bộ bàn ghế độc lạ làm từ gốc tre, từ cánh tay trái của ông Chánh, nhiều người lúc đầu tò mò đến xem rồi bày tỏ sự thán phục, tấm tắc ngợi khen tài năng của lão nông xứ Quảng. Ông đã tạo ra bộ bàn ghế giản dị nhưng rất sắc sảo trong từng chi tiết.

Ông Chánh kể, bộ bàn ghế đầu tay ấy được chế tác từ 37 gốc tre. Sau khi trải qua các công đoạn cắt tỉa, cưa, đục, đẽo, khoan…,chúng được ráp với nhau bởi các chốt bằng tre và sơn phủ PU. Trừ mặt bàn và một số chi tiết nhỏ, hầu như toàn bộ sản phẩm được chế tác từ gốc tre.

“Trước và sau khi hoàn thành bộ sản phẩm đầu tiên này, tôi chưa từng nghe hoặc thấy ai tận dụng gốc tre để làm cả bộ bàn ghế lớn như thế”, ông Chánh khẳng định chắc nịch.

Nhiều người thắc mắc, liệu chỉ còn một cánh tay có gây ra khó khăn, trở ngại cho công việc “khai sinh” thân phận mới cho gốc tre, ông Chánh từ tốn đáp, dù bị khiếm khuyết một cánh tay nhưng với suy nghĩ lạc quan, ông cho rằng trở ngại này không đáng kể. Khó khăn duy nhất khiến ông vắt óc suy nghĩ suốt quá trình tạo nên bộ bàn ghế là khả năng “đối xứng”.

Theo ông, để tìm ra gốc tre làm chân bàn, ghế hết sức gian nan. Bốn gốc tre tạo nên chân ghế hay bàn phải đảm bảo có hình thù, kích cỡ tương đồng. Do đó, việc săn lùng gốc tre đòi hỏi sự kiên trì trước khi nói đến công sức, thời gian để gọt giũa.

Một tay dựng nên cả “cơ đồ”

Sau thành công từ sản phẩm đầu tay, nhiều người có sở thích với vật dụng bằng tre tìm đến tận nhà ông Chánh, sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để tậu một bộ bàn ghế.

Giá mỗi bộ bàn ghế dao động từ 40-70 triệu đồng (tùy vào kích cỡ)

Cần mẫn lao động, dồn tâm trí vào mớ gốc tre, nhiều năm qua, ông Chánh “cụt” đã tạo ra gần trăm đứa con tinh thần. Nhìn thấy sản phẩm bàn ghế hoàn thiện, đảm bảo độ “đối xứng” gần như tuyệt đối, những mệt mỏi cùng thiệt thòi của cánh tay dường như tan biến.

Lo được nồi cơm cho gia đình mình từ đôi tay khiếm khuyết, không ích kỷ, ông Chánh tâm niệm phải làm sao tìm kiếm được lớp trẻ để tiếp tục hành trình sản xuất đồ mỹ nghệ độc đáo từ gốc tre. “Song, suốt nhiều năm đỏ mắt kiếm tìm, tôi vẫn chưa tìm được người thợ nào ưng ý. Nghề này đòi hỏi sự chịu khó, kiên trì cao nên khó cho người trẻ”, ông Chánh lộ vẻ băn khoăn.

Giá mỗi bộ bàn ghế dao động từ 40-70 triệu đồng (tùy vào kích cỡ)

Cơ duyên đã đưa ông Chánh “cụt” đến với tre, để rồi gắn bó gần nửa đời người. Ông đã làm thay đổi thân phận của gốc tre, còn ngược lại gốc tre đã dìu dắt cuộc đời của lão nông sang trang mới.

Mai đây, chắc chắn ông Chánh sẽ còn tiếp tục với cuộc chơi cùng gốc tre, làm ra những bộ bàn ghế độc nhất vô nhị, đóng góp cho đời những tác phẩm nghệ thuật dung dị, sắc sảo.

Nhắc đến khoản thu nhập từ nghề làm bàn ghế bằng gốc tre, ông Chánh không ngại tiết lộ, trung bình một năm, ông trình làng khoảng 7-8 bộ sản phẩm. Giá bán dao động từ 40-70 triệu đồng (tùy vào kích cỡ). Kỷ lục, ông từng bán bộ bàn ghế chạm ngưỡng cả trăm triệu đồng. Đó là khi khách hàng yêu sản phẩm từ tre, sẵn sàng bạo chi để có được bộ bàn ghế ưng ý.

Chia sẻ với báo điện tử VTC News, bà Nguyễn Thị Minh Nam – Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết: “Ông Phan Văn Chánh là tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu. Những sản phẩm ông cung ứng cho thị trường nội thất quả thực rất độc đáo. Hy vọng, trong tương lai gần, lớp trẻ ở địa phương cũng sẽ bày tỏ sự thích thú với nghề làm bàn ghế từ gốc tre, qua đó giúp sản phẩm này phổ biến hơn”.

THANH BA

Tin mới