Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thiếu vaccine trên quy mô toàn quốc: Bộ Y tế thông tin về giải pháp

(VTC News) -

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện ghi nhận tình trạng thiếu vaccine trên quy mô toàn quốc.

Chiều 15/12, tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tháng 8, Bộ Y tế mới được cấp kinh phí để mua vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 diễn ra từ tháng 2, thiếu vaccine DPT từ tháng 4, hầu hết loại còn lại cung ứng đến tháng 10. “Hiện chúng tôi ghi nhận tình trạng thiếu vaccine trên quy mô cả nước", PGS Hồng nói.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Để sớm bảo vệ trẻ phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là vaccine 5 trong 1, Bộ Y tế nỗ lực vận động các nguồn tài trợ.

Tháng 7, Bộ nhận được hơn 250.000 liều, tối nay sẽ nhận thêm 490.600 liều vaccine 5 trong 1 do Australia viện trợ, phân bổ cho các địa phương. Dự kiến số vaccine này đủ sử dụng từ 1-2 tháng tới, ưu tiên cho trẻ chưa được tiêm, trẻ nhỏ 2 tháng tuổi.

Ngay khi có giá vaccine, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ khẩn trương ký các hợp đồng cung ứng vaccine. Hiện các nhà sản xuất trong nước đã có số vaccine nhất định để giao ngay cho viện khi hoàn tất các thủ tục tài chính.

PGS Hồng thông tin thêm, hầu hết các vaccine tiêm chủng mở rộng là vaccine sản xuất trong nước. Theo quy định phải trải qua rất nhiều bước, quy trình (9 bước). Bộ Y tế, Bộ Tài chính đang phối hợp rất chặt chẽ để giải quyết phần thủ tục.

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dù thời gian qua có hiện tượng thiếu vaccine, nhưng số tiêm chủng trên quy mô toàn quốc vẫn đạt 66% tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 đạt 52,6%.

Bộ Y tế khuyến cáo các đơn vị quản lý đối tượng tiêm chủng, giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng, hướng dẫn các đơn vị điều trị tăng cường tiếp nhận khám trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp, xử lý kịp thời.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng do nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. 10 loại vaccine phòng bệnh gồm lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản.

Trong giai đoạn 2016-2022, Chương trình tiêm mở rộng được bố trí kinh phí mua vaccine từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, năm 2023, do Luật Ngân sách, các tỉnh thành phải thực hiện mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, song gặp khó khăn trong bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai, dẫn đến thiếu vaccine trầm trọng.

TS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng, cho biết để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, dự kiến hoàn thành tháng 1/2024. Như vậy, trong năm 2024 sẽ chấm dứt tình trạng thiếu vaccine.

Thời gian qua, nhiều tỉnh thành kêu cạn kiệt nguồn vaccine tiêm chủng mở rộng. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể khiến các bệnh truyền nhiễm nguy cơ bùng phát trên phạm vi lớn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.

NHƯ LOAN

Tin mới