(VTC News) - "Quá hoảng sợ khi gặp lực lượng CSGT, nên cô gái đã có hành động quỳ lạy và van xin như thế", Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.
Ngày 19/12, một đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái trẻ, được cho là vi phạm giao thông đã quỳ lạy cảnh sát giao thông khiến dân mạng tranh luận gay gắt. Thừa nhận đã vi phạm luật giao thông, cô gái này liên tục van xin: "Chú ơi, chú ơi tha cho con".
Đáng chú ý, cô gái không chỉ quỳ lạy một lần. Cứ sau một lúc năn nỉ, bám riết theo viên CSGT, cô lại quỳ gối van xin nhưng không được chấp nhận bỏ qua lỗi.
Thượng tá Lê Đức Đoàn |
PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) về sự trên.
- Với cương vị một người công tác lâu năm trong ngành giao thông, ông đánh giá như thế nào về sự việc cô gái quỳ lạy xin CSGT bỏ qua lỗi?
Trước tiên, tôi thấy đây là một hành động rất phản cảm và cũng là trường hợp cá biệt mà thôi. Bởi khi người ngoài nhìn vào, không hiểu rõ sự việc xuyên suốt là gì, sẽ thấy rất khó chịu khi mà người dân lại quỳ lạy, liên tục xin xỏ lực lượng công an như vậy. Việc này cũng liên đới làm xấu đi hình ảnh chiến sĩ CSGT.
- Có nhiều cách để trình bày khi đối diện với lực lượng CSGT, nhưng sao cô gái trong đoạn clip lại quỳ lạy và liên tục van xin như vậy, thưa Thượng tá?
Theo diễn biến trong clip, cô gái trên vi phạm giao thông và đã bỏ chạy, nên khi lực lượng CSGT đuổi được, cô ấy đã quá hoảng sợ, dẫn đến hành động như vậy. Là một cô gái trẻ nên đã không giữ được bình tĩnh khi lực lượng CSGT kiểm tra.
- Vậy, hành động quỳ lạy này có phải là hành vi chống người thi hành công vụ?
Đây hoàn toàn không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. Cô gái chỉ quỳ lạy, chưa có hành vi đe dọa đến an toàn tính mạng của chiến sĩ CSGT.
Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết đến một trường hợp người vi phạm quỳ lạy, van xin CSGT như vậy. Bản thân tôi cũng chứng kiến nhiều trường hợp người vi phạm giao thông xin tha, nhưng quỳ lạy thì chưa bao giờ.
- Nhiều người sau khi xem clip đều nói rằng, hiện nay người dân có tâm lý rất sợ lực lượng CSGT khi xử phạt người vi phạm. Thượng tá đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Phải nói rằng, người dân đang có tâm lý sợ lực lượng CSGT khi bị dừng phương tiện trên đường. Nên lực lượng CSGT khi dừng phương tiện, từ điều lệnh đến lời ăn tiếng nói đều phải gửi những thông điệp đẹp đến người vi phạm, tạo cho họ tâm lý thoải mái và tin tưởng vào lực lượng chức năng. Nếu làm được điều đó, người vi phạm sẽ sẵn sàng hợp tác, xuất trình giấy tờ và tuân thủ các quy định xử phạt của pháp luật đề ra.
Trên thực tế, lực lượng CSGT Thủ đô có hàng nghìn chiến sĩ đang ngày đêm không quản nắng mưa vất vả làm công việc đảm bảo ATGT trên mỗi tuyến đường. Những việc làm của chúng tôi đòi hỏi sự cảm thông từ nhiều phía, đặc biệt là người tham gia giao thông.
- Ông nghĩ sao trước hiện tượng nhiều người dân dù biết mình vi phạm luật giao thông, bị lực lượng CSGT dừng phương tiện để xử phạt nhưng vẫn cố nài nỉ để xin tha?
Tâm lý của người tham gia giao thông khi bị dừng phương tiện để kiểm tra đều rất lo lắng, nên sẽ trình bày để xin tha. Thông thường, họ trình bày nhiều lý do như đi công việc vội, mới lên thành phố nên không biết đường... hoặc nhờ các mối quan hệ quen biết để xin khi vi phạm luật giao thông.
Theo tôi, đây cũng là một bài học cho người dân khi tham gia giao thông. Đi trên đường nên chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ an toàn giao thông, có ý thức khi tham gia giao thông. Khi đã bị dừng phương tiện để kiểm tra, xử phạt, người dân nên ý thức được việc phạm luật của mình và chấp hành nghiêm chỉnh.
Xin cảm ơn Thượng tá!
Hà Minh