Ngày 20/3, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) báo cáo Bộ Y tế về chùm ca ngộ độc Botulinum tại Quảng Nam sau ăn cá chép muối ủ chua.
Bệnh nhân H.V.Đ (57 tuổi) được truyền thuốc giải độc từ tối 18/3. Trước khi truyền thuốc, người bệnh lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy, không tự thở, nhịp tự thở rất yếu. Sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện được y lệnh chậm, sức cơ tứ chi 2/5, có nhịp tự thở yếu.
Đến 20/3, người bệnh lơ mơ, vẫn còn phải dùng thuốc an thần, nhiệt độ cao, vẫn thở máy, cơ lực 2 bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5, tiên lượng dè dặt. Đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất. Tình trạng có cải thiện sau hơn 20 giờ truyền thuốc giải độc.
“Tình trạng bệnh nhân có các cải thiện nhưng còn phụ thuộc máy thở", báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy nêu.
Bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Các bác sĩ đã chuyển đổi phác đồ sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh hướng điều trị nhiễm khuẩn đa kháng tại bệnh viện địa phương hiện không đủ. Đơn vị đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam báo cáo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.
Còn 2 bệnh nhân H.V.Đ (26 tuổi) và bà H.T.T (37 tuổi) phục hồi tốt. Có thể trong 1-2 ngày tới, bệnh nhân H.V.Đ sẽ cai máy thở. Đây cũng là bệnh nhân bị ngộ độc nặng có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc.
Hai bệnh nhân khác trong chùm ca bệnh ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị ngộ độc mức độ nhẹ, tỉnh, sinh hiệu ổn, có thể cải thiện không cần dùng thuốc giải. Đến nay cả hai người đều tiến triển tốt, ổn định, hiện sức cơ bình thường, ngưng oxy, ăn qua miệng.
Trước đó, chiều 19/3, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam có báo cáo về 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại huyện Phước Sơn. Vụ thứ nhất khoảng 9h ngày 7/3, 11 người ăn tại lễ cúng đâm trâu tại nhà bà H.T.N (ngụ xã Phước Đức). Sau khi ăn, bốn người bị ngộ độc chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơ cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Đến 13/3, một trong bốn bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tử vong.
Vụ thứ hai xảy ra lúc 12h ngày 16/3, năm người dùng cơm trưa tại nhà anh H.V.Đ. (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn). Đến chiều 17/3, bốn người bị ngộ độc và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn với triệu chứng đau đầu, đau họng, người mệt, buồn nôn…
Ngay khi biết thông tin trên, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đội chuyên môn đến hỗ trợ đến trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam. Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ từ xa và Viện Pasteur Nha Trang đã tìm hiểu nguyên nhân dịch tễ các trường hợp ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua.