Quá tải ở các bệnh viện
Khi Nhật Bản chuẩn bị ban hành tình trạng khẩn cấp, nhiều nhân viên y tế cho biết, tình trạng thiếu hụt giường bệnh và các ca nhiễm liên quan tới y bác sỹ khiến hệ thống y tế của Tokyo bên bờ vực sụp đổ.
Cuộc khủng hoảng đang đến với Bệnh viện Đa khoa Eiju, tòa nhà 10 tầng màu hồng nằm ở trung tâm Tokyo. Chỉ trong vòng 2 tuần qua, cơ sơ y tế này ghi nhận 140 ca mắc Covid-19, trong đó có 44 nhân viên y tế.
Người đàn ông đọc thông báo đóng cửa dán trên cửa kính của bệnh viện Eiju. (Ảnh: Reuters)
Vài ngày trước, các cảnh cửa của bệnh viện Eiju dán đầy các áp phích thông báo việc bệnh viện đóng cửa cho tới khi có tuyên bố mới. Hơn 50 bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn đang được điều trị bên trong.
Số ca mắc Covid-19 tại Nhật là thấp nếu so với các nước láng giềng Hàn Quốc hay Trung Quốc. Nhưng các kịch bản như ở Eiju đang diễn ra trên khắp đất nước, khi đội ngũ y, bác sỹ thừa nhận tình trạng thiếu hụt thiết bị và số lượng nhân viên y tế bị nhiễm bệnh đang gia tăng.
"Chúng ta có thể dọn sạch phòng bệnh và sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19, nhưng những người mắc các bệnh khác sẽ phải di chuyển. Nếu chúng ta không giải quyết được, virus có thể lây lan ra khắp bệnh viện, dẫn tới sụp đổ hệ thống y tế", bác sĩ chuyên về truyền nhiễm tại bệnh viện lớn ở Tokyo cho biết.
Theo thống kê của chính quyền Tokyo, tính hết ngày 5/4, số người mắc Covid-19 phải nhập viện ở thành phố này là 951 người. Trong khi đó, có khoảng 1.000 giường được phân bổ cho các bệnh nhân nhiễm bệnh.
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Nhật Bản đã phản ứng quá chậm trước dịch bệnh và đã hạn chế xét nghiệm các ca nghi nhiễm.
Kể từ giữa tháng 1 tới nay, Nhật Bản xét nghiệm 39.446 người trong khi con số này ở Hàn Quốc là 443.273 người. Đáng nói là dân số Nhật Bản gấp gần 3 lần dân số Hàn Quốc.
Trong 1 tuần qua, số ca nhiễm virus corona chủng mới tại Nhật Bản tăng gấp đôi lên con số 3.654. Tokyo là ổ dịch lớn nhất với hơn 1.000 trường hợp.
Nhiều nhân viên y tế tại Nhật Bản mắc Covid-19.
Không ít người trong số này phải chờ tại nhà hoặc tại các khu vực ngoại trú của bệnh viện cho tới khi có sẵn giường bệnh.
Để giảm bớt gánh nặng cho các nhân viên y tế, Tokyo sẽ chuyển những người có triệu chứng nhẹ vào khách sạn và các cơ sở lưu trú khác từ 7/4.
"Eiju cũng như nhiều bệnh viện khác ở Tokyo không có khoa truyền nhiễm. Điều đó có nghĩa bệnh nhân mắc Covid-19 ban đầu được điều trị cùng những người khác", ông Hiroshi Nishiura, giáo sư Đại học Hokkaido và là thành viên của hội đồng tư vấn cho chính phủ về phản ứng với Covid-19 cho hay.
"Chúng tôi đã không ngăn chặn được sự lây nhiễm từ làn sóng đầu tiên", ông cho hay.
Hôm 3/4, một bệnh viện khác ở Tokyo cho biết, 3 y tá và 1 bác sỹ tại cơ sở này bị nhiễm virus trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Một ngày sau đó, số ca bệnh của Tokyo nhảy lên 100 trường hợp. Tới ngày 5/4, con số này là 143.
Đại điện của Chính quyền Tokyo hôm 6/4 khẳng định, hệ thống y tế "vẫn được đảm bảo", đồng thời nói thêm rằng, Tokyo đang tiếp tục thúc giục cư dân tránh mọi các chuyến ra ngoài không cần thiết.
'Cuộc chiến giường bệnh'
Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới với 36 triệu người trên 65 tuổi.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, nước này có khoảng 1,5 triệu giường bệnh trên toàn quốc, nhưng số giường trong phòng cách ly áp lực âm dành cho các bệnh truyền nhiễm chỉ có khoảng 1.882, riêng tại Tokyo chỉ có 145 giường.
Các nhân viên y tế tại Nhật Bản thừa nhận tình trạng thiếu hụt đồ bảo hộ. (Ảnh: Reuters)
Mặc dù nhiều trường hợp nhiễm virus SAS-CoV-2 không cần những phòng như vậy, họ vẫn phải cách ly với các bệnh nhân khác.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Tokyo đang phải tìm cách đảm bảo 4.000 giường bệnh cho các bệnh nhân mắc Covid-19, yêu cầu các bệnh viện giải phóng không gian ở các phòng bệnh thông thường.
Satoshi Kamayachi, thành viên của Hiệp hội Y khoa Nhật Bản thừa nhận rằng, sự sụp đổ của hệ thống y tế Tokyo giờ đây không còn là vấn đề trên lý thuyết, vì số giường bệnh còn lại không nhiều.
"Số lượng các bệnh nhân đang tăng lên rõ rệt. Tình hình ngày càng trở nên cấp bách", ông Kamayachi cho hay
Phản ứng của chính quyền
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, ngay cả sau khi bị chỉ trích về cách xử lý ổ dịch trên du thuyền Diamond Princess, Nhật Bản dường như không làm gì nhiều để tăng cường công tác kiểm tra và chuẩn bị cho đại dịch.
Cuối tháng 1, Akihiro Suzuki - thành viên Hội đồng Vùng đô thị Tokyo gửi thư cho giới chức Tokyo kiến nghị thiết lập một hệ thống y tế và tư vấn cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Ông Suzuki cho biết đã gửi đi 10 yêu cầu để kêu gọi một loạt các biện pháp cần phải được thực hiện khẩn cấp, từ việc mua máy thở cho tới làm rõ chính sách của Toyko về việc điều trị cho các bệnh nhân.
"Phản hồi là rất chậm và hiện giờ là quá chậm", ông này bức xúc.
Chính quyền Thủ tướng Abe đang chịu nhiều chỉ trích vì chậm trễ trong phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: japan-forward.com)
Một đại điện của chính quyền Tokyo cho biết, thành phố đã chuẩn bị các biện pháp y tế cụ thể từ 23/3 để đối phó với tình trạng gia tăng các ca bệnh, bao gồm cả việc đảm bảo nhiều giường hơn.
Hàng chục y tá làm việc tại các phòng khám bệnh viện trung bình ở Tokyo cho biết, họ được yêu cầu tái sử dụng khẩu trang. Họ lo ngại số lượng nhân viên y tế hiện nay không thể đối phó nếu các ca bệnh tăng đột biến.
Các y tá cũng thừa nhận họ không chắc liệu bệnh viện của mình có đủ thiết bị bảo hộ cá nhân tiên tiến như khẩu trang N95 và áo choàng bảo hộ hay không.
"Tình cờ tôi thấy một bài báo nói rằng, một y tá khoác túi rác làm đồ bảo hộ đã chết ở New York. Tôi tự hỏi liệu đó có phải mình trong tương lai cũng vậy không", một y tá người Nhật 30 tuổi chia sẻ.
"Tôi nghĩ rằng hệ thống đã bắt đầu sụp đổ", Kasumi Matsuda, y tá có thâm niên 13 năm kinh nghiệm cho biết
Video: Bản tin Covid-19 ngày 5/4
Khi số ca bệnh tăng mạnh ở Tokyo, Hiệp hội Y khoa Nhật Bản và Thống đốc Tokyo yêu cầu chính quyền trung ương nhanh chóng tuyên bố tình trạng khẩn cấp để giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Truyền thông Nhật Bản hôm 6/4 đưa tin Thủ tướng Shinzo Abe đang chuẩn bị tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong tuần này sau nhiều lần khẳng định một quyết định như vậy là hơi sớm.
Hôm 3/4, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp viện trợ phát triển ở nước ngoài cho biết, họ sẽ xây dựng mới một bệnh viện dã chiến với 1.200 giường vào cuối tháng 4 tại khu mua sắm ở Tokyo.
Nhưng đó là chuyện của hơn 20 ngày tới, còn bây giờ Tokyo vẫn đang phải chứng kiến tình trạng quá tải khi số ca bệnh tiếp tục tăng mỗi ngày.