Thiếu cát san lấp đang trở thành bài toán nan giải, hơn cả khâu giải phóng mặt bằng. Tình trạng này nếu kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tiến độ chung, do đó TP.HCM đang cùng với các địa phương nỗ lực giải quyết.
Thi công cầm chừng
Gói thầu số 3 dự án Vành đai 3 TP.HCM (TP Thủ Đức) dài khoảng 3 km. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện gói thầu này đến tháng 10/2026, trong đó tuyến chính vành đai hoàn thành vào quý IV năm sau. Tuy nhiên tiến độ dự án đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiếu cát san lấp.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM đang thiếu cát.
Được biết, nhu cầu cát trong năm 2024 là khoảng 200.000 m3 nhưng thời gian qua, lượng cát về ít ỏi nên dự án phải thi công cầm chừng ở các hạng mục: gia cố cừ tràm, cọc xi măng đất, đào thay thế đất…
Thiếu cát cũng khiến cho việc triển khai các hạng mục chính phải dừng hoặc thi công cầm chừng, máy móc, phương tiện đã tập kết không làm việc và dẫn đến hao hụt, thất thoát do phải bảo dưỡng.
Ông Phạm Đăng Huyên, đại diện liên danh nhà thầu cho biết, đơn vị nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung cấp cát khác nhau, mới đây đã có một số nguồn tại các tỉnh lân cận, đang tiến hành các thủ tục cần thiết. Trước mắt, việc thi công trong tháng 4/2024 được đảm bảo nhưng sau đó thì chưa biết..
“Tất cả các đơn vị đang chờ cát để thi công, chỉ triển khai một số mũi chưa cần tới cát. Chủ đầu tư đang tìm và xin các tỉnh lân cận để tìm nguồn. Tạm thời đã tìm được các mỏ ở các tỉnh lân cận ở Trà Vinh, Tiền Giang, đảm bảo khối lượng thi công tạm thời trong tháng 4 này”, ông Huyên nói.
Toàn bộ dự án Vành đai 3 TP.HCM cần 9,3 triệu m3 cát.
Tương tự gói số 3, hầu hết các gói thầu của dự án này đều đang thiếu cát san lấp, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. Đơn cử như gói thầu xây lắp 7 tại huyện Hóc Môn đạt khoảng 3% tổng khối lượng nhưng phần đường đang chờ thi công 2 tháng nay do thiếu cát san lấp, dù đã nỗ lực tìm kiếm các nơi.
Được biết, dự án Vành đai 3 TP.HCM cần 9,3 triệu m3 cát san lấp, trong đó năm 2024 cần 6 triệu m3 cát (riêng TP.HCM là 4,7 triệu m3 cát).
Tuy nhiên đến nay chỉ có Tiền Giang thống nhất sẽ hỗ trợ 6,3 triệu m3, các nhà thầu chủ động mua từ các nguồn thương mại và đưa về dự án khoảng 0,4 triệu m3, không đáp ứng tiến độ thi công. Nguy cơ chậm tiến độ đang hiển hiện trước mắt.
Đất đào lên đảm bảo chất lượng sẽ được tái sử dụng.
Lối ra từ các nguồn vật liệu thay thế?
Ngoài dự án trọng điểm Vành đai 3 TP.HCM, một dự án lớn khác là công trình cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng lâm vào cảnh thi công cầm chừng do thiếu cát. Ngoài việc tìm kiếm các nguồn cát khác nhau, các nhà thầu cũng có một số giải pháp sáng tạo.
Tại gói thầu XL - 02, khu vực cầu Bà Hom, Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), các công nhân hối hả điều khiển xe xúc, xe ủi, xe lu… dưới cái nắng gay gắt. Mồ hôi nhễ nhại nhưng tất cả đều ý thức rằng, nắng nóng tuy mệt nhưng là điều kiện thuận lợi để triển khai các đầu việc trước khi mùa mưa đến.
Ông Trịnh Thế Vũ, đại diện nhà thầu Công ty cổ phần công trình giao thông Sài Gòn cho biết, gói thầu mà đơn vị đảm nhận đã đạt khoảng 40%. Sau Tết Nguyên đán, nguồn cát san lấp khan hiếm nên chưa thể triển khai thi công đại trà, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Khoảng 200 m đất dọc bờ kênh được triển khai thí nghiệm, nếu đất chất lượng tốt sẽ được sử dụng để san lấp lại.
Do đó bên cạnh việc tìm kiếm thêm các nguồn cát hợp pháp để cung cấp cho dự án, nhà thầu đã bắt tay nghiên cứu việc tái sử dụng đất đào lên để phục vụ san lấp tại chỗ, làm nền đường.
Cụ thể ở những vị trí công trình có lớp đất tốt sẽ giữ lại để tận dụng san lấp thay cát. Trong quá trình làm sẽ thí nghiệm phân loại chất lượng đất.
Khoảng 200m dọc bờ kênh được triển khai thí nghiệm, nếu đất chất lượng tốt sẽ được sử dụng để san lấp lại. Dự kiến có 1.500 m3 đất trên tổng số 3.000 m3 đất đào lên sẽ được sử dụng để san lấp tại chỗ. Tất cả các quy trình từ kiểm tra chất lượng đất, kiểm tra độ nén… được ghi nhận và gửi cho các đơn vị kiểm định để đánh giá.
Ông Trịnh Thế Vũ cho biết, việc thay cát bằng lớp đất tại chỗ đủ tiêu chuẩn cho kết quả bước đầu khá khả quan.
“Nhà thầu đã tiến hành thí nghiệm để lấy kết quả mẫu đất, và kết quả đạt yêu cầu với đất để lấp nền đường. Nhà thầu đang làm thử nghiệm đoạn 200 m để ra kết quả cuối cùng, trình lên lãnh đạo phê duyệt. Nếu thành công thì sẽ tận dụng được nguồn đất tại dự án, giảm bớt chi phí và tìm ra được phương án cho tình hình khan hiếm nguồn cát, đẩy nhanh tiến độ công trình”, ông Vũ cho hay.
Thiếu cát san lấp khiến dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang nguy cơ chậm tiến độ.
Ông Bùi Trọng Nhân, Công ty Nagecco, đơn vị giám sát cho biết, gói thầu đang triển khai đào nền hạ nền đường. Việc thay thế cát bằng đất phải đảm bảo đạt các chỉ tiêu cơ lý mới đưa vào trong công trình. Tất cả qui trình này đều được đánh giá kỹ chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo đúng thiết kế.
“Nhà thầu và tư vấn giám sát đang làm theo các bản vẽ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật trong dự án. Hiện tại đang đào và lu. Sau khi lu xong, khi các thí nghiệm đạt các yêu cầu theo bản thiết kế mới chấp thuận cho làm các công tác xây dựng tiếp theo”, ông Nhân thông tin.
Qua nghiên cứu, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Huỳnh Trọng Phước, Đại học Cần Thơ, người có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu cho biết, tiềm năng của giải pháp thay thế là rất lớn. Ưu điểm của việc sử dụng vật liệu thay thế là tùy theo định hướng ứng dụng vật liệu sẽ có biện pháp thiết kế đúng mục tiêu đó để tối ưu hiệu quả.
Về giải pháp dùng đất tại chỗ để san lấp thay cho cát, PGS – TS Huỳnh Trọng Phước cho rằng, có thể tái chế đất làm vật liệu san lấp bằng cách gia cố cho chịu lực tốt hơn. Qua đó có thể ứng dụng làm nền đường đi nội bộ, nền đường cho xe máy đi hoặc đường ô tô… Tuy nhiên, do thổ nhưỡng mỗi vùng khác nhau nên không có một công thức hay giải pháp cố định mà sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
PGS. TS Huỳnh Trọng Phước đánh giá, thực tế có nhiều nguồn có thể thay thế được cát san lấp nhưng để áp dụng thực tế còn rất nhiều khâu, từ đánh giá tác động môi trường, trữ lượng, chỉ dẫn kỹ thuật, đến tiêu chuẩn, đơn giá, quy định pháp luật…
Nhưng đây có thể được xem là hướng ra cần xem xét trong bối cảnh khan nguồn cát san lấp hiện nay, cũng như tính toán về lâu dài.
“Tùy thổ nhưỡng mỗi vùng khác nhau, điều kiện chịu lực khác nhau. Người ta đưa ra rất nhiều giải pháp để tái chế, người ta làm cho nó cứng hơn, chịu lực tốt hơn. Mỗi định hướng ứng dụng khác nhau thì mình dùng phương pháp, công thức tính toán, thiết kế khác.
Sẽ không có một mẫu số chung mà nó sẽ được nghiên cứu theo từng định hướng khác nhau. Ví dụ mình muốn dùng trong bê tông thì sẽ làm kiểu khác, muốn thành vật liệu san lấp thì dùng kiểu khác”, PGS. TS Huỳnh Trọng Phước nêu rõ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Về vấn đề giải quyết bài toán thiếu nguyên vật liệu xây dựng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ nỗ lực hết mình cùng với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, cung ứng cát san lấp để thi công các công trình. Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cũng cho rằng, các nhà thầu ký hợp đồng với TP thì nhiệm vụ đảm bảo vật liệu xây dựng, trách nhiệm này trước hết là của nhà thầu:
“Có công trình 2 tháng, 6 tháng... không có cát, nhà thầu cứ ì ra đó và nói rằng chuyện này của chủ đầu tư, của UBND TP. Không phải như thế! Chúng ta hỗ trợ nhà thầu nhưng nhà thầu cũng phải tích cực, chủ động giải quyết vấn đề này.
Cho nên tôi đề nghị chủ đầu tư phải bàn bạc kỹ lưỡng và phải thực hiện nghiêm hợp đồng. Không thể ký hợp đồng như thế nhưng lại đổ cho chủ đầu tư hay thành phố rồi chúng ta chậm trễ tiến độ”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Để giải quyết bài toán nan giải này, ngày 1/4 tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng đối với dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát khả năng cung ứng cát theo tiến độ các dự án để kịp thời có giải pháp, như nâng công suất, bổ sung các mỏ mới để đáp ứng nhu cầu thực tế; chủ động xử lý vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp khai thác.
Ngoài ra, cần rà soát, tính đơn giá, quy trình cụ thể về công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp; hướng dẫn các địa phương quy trình thủ tục cấp phép, định mức, đơn giá khai thác cát biển; nhập khẩu vật liệu xây dựng; nạo vét luồng giao thông đường thủy… Đồng thời vận dụng các cơ chế gia hạn, cấp lại giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ cát, bám sát tiến độ.
Rõ ràng, bài toán cát san lấp sẽ còn rất nóng trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Do đó, TP.HCM cần tiến hành song song nhiều giải pháp, đảm bảo tiến độ cho các dự án trọng điểm.