Khi khai quật Tall el-Hamma - thành phố thời Đồ Đồng nằm ở phía đông bắc Biển Chết cách đây vài năm, các nhà khảo cổ phát hiện một lớp đất đá dày khoảng 1,5m gồm than, tro, gạch bùn và đồ gốm nung chảy.
Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu do James P. Kennett - nhà khoa học Trái Đất tại Đại học California Santa Barbara dẫn đầu nhận ra rằng lớp đất đá này có thể là dấu vết còn sót lại sau vụ nổ thiên thạch cách đây 3.700 năm.
Hình ảnh mô phỏng về vụ tấn công thiên thạch. (Ảnh: CC BY-ND)
Theo nhóm nghiên cứu, một tảng đá không gian đã lao xuống Trái đất với vận tốc 61.000 km/h trước khi phát nổ ở độ cao khoảng 4 km phía trên thành phố.
Vụ nổ mà tiểu hành tinh này gây ra mạnh gấp 1.000 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Nhiệt độ không khí tăng lên trên 2.000 độ C sau thảm họa. Quần áo, gỗ lập tức bốc cháy. Gươm, giáo, gạch bùn và đồ gốm bắt đầu tan chảy. Gần như ngay lập tức, toàn bộ thành phố bị hủy diệt.
Vài giây sau, một đợt sóng xung kích lớn ập vào Tall el-Hammam. Di chuyển với tốc độ 1.200 km/h, nó mạnh hơn cả đợt lốc xoáy tồi tệ nhất được ghi nhận. Những cơn gió chết chóc xé toạc thành phố, phá hủy mọi tòa nhà.
Không ai trong số 8.000 người hoặc bất kỳ động vật nào trong thành phố có thể sống sót.
Khoảng một phút sau, cách Tall el-Hammam 22 km về phía tây, gió từ vụ nổ ập đến thành phố Jericho. Các bức tường thành sụp đổ và thành phố bị thiêu rụi trong thời gian ngắn.
Vài thế kỷ sau đó, Tall el-Hammam và khu vực quanh nó bị bỏ hoang. Nguyên nhân có thể do nồng độ muối cao trong lớp đất bị phá hủy khiến cây trồng không thể phát triển.
Câu chuyện về thảm họa này có thể đã được truyền miệng qua nhiều thế hệ và truyền cảm hứng cho câu chuyện về thành phố Sodom và Gomorrah trong Kinh Thánh.