Tháng 10/2008, một nhà thiên văn học ở bang Arizona (Mỹ) phát hiện một thiên thạch nặng 82 tấn đang lao thẳng về hướng trái đất. Tảng đá không gian này được xác định là 2008 TC3 nổ tung trên bầu khí quyển trước khi các mảnh vỡ ra từ nó rơi xuống sa mạc Nubian thuộc Sudan.
Các sinh viên Đại học Khartoum sau đó đi quanh sa mạc này và nhặt được hơn 600 mảnh của 2008 TC3 được đặt tên chung là Almahata Sitta.
Nghiên cứu mới đây cho thấy 2008 TC3 có thể đã vỡ khỏi một tiểu hành tinh khổng lồ trong hệ Mặt trời, có kích thước tương đương với hành tinh lùn Ceres có đường kính khoảng 950km.
Amphibole trong Almahata Sitta được đánh dấu bằng màu cam trong ảnh. (Ảnh: NASA)
Trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tây Nam (Mỹ), các nhà khoa học đã phân tích một mẫu Almahata Sitta nặng 50 gram dưới kính hiển vi hồng ngoại. Bên trong đó, nhóm nghiên cứu tìm thấy Amphibole - một dạng tinh thể ngậm nước cực kỳ hiếm.
Các tinh thể thể silicat này chỉ hình thành khi tiếp xúc lâu với áp suất và nhiệt độ cao - điều không thể xảy ra với một tảng đá không gian như 2008 TC3. Do đó, kết luận duy nhất phù hợp là TC3 từng là một phần của một tiểu hành tinh mẹ có kích thước ngang với hành tinh lùn Ceres rộng khoảng 939 km.
Các nhà nghiên cứu không loại trừ khả năng tiểu hành tinh mẹ của 2008 TC3 cũng có thể đã vỡ vụn thành nhiều mảnh từ lâu. Quá trình này có thể xảy ra nhiều lần và trong nhiều giai đoạn.
Cũng theo nghiên cứu, các mảnh Almahata Sitta có thể cung cấp cái nhìn sơ lược về giai đoạn chưa từng biết trước đây trong quá trình hình thành hệ Mặt trời của chúng ta.
"Hành tinh lùn bí ẩn tồn tại đủ lâu để để lại dấu vết địa chất của nó. Sau đó, nó tan thành nhiều mảnh vì một số lý do. Đó là điều mà chúng ta vẫn đang tìm kiếm câu trả lời", chuyên gia Ryan Whitwam bình luận.