Khán giả của phim Tây du ký 1986 rất quen với cảnh Đường Tam Tạng chắp tay nói hai chữ "thiện tai" với các vị thí chủ. Mấy chữ này cũng thường được các nhà sư khác lặp lại trong nhiều cảnh khác trên màn ảnh, sân khấu và trong đời thực; tuy nhiên, không nhiều người biết ý nghĩa của nó.
Nguyên gốc từ tiếng Phạn là Sàdhu, phiên sang âm Hán là Sa độ, Tát. Nghĩa của nó là tốt, thiện, lành.
Thiện tai có nghĩa là gì?
Theo lý giải trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày xưa, ở Ấn Độ, trong hội nghị, khi biểu quyết một vấn đề gì, người ta đều dùng từ Sàdhu để bày tỏ sự tán thành. Đức Phật khi tán đồng ý kiến của đệ tử cũng hay nói "Thiện tai", chẳng hạn như kinh Vô lượng thọ quyển thượng ghi: "Phật nói: Thiện tai! A-nan, điều ông hỏi rất hay!".
Nhìn chung, thiện tai là một thán ngữ mà xa xưa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng để tán dương những việc thiện, có nghĩa là: "Lành thay". Lời này như một sự khen tặng, tán thưởng, chứng minh công đức dành cho phật tử hoặc đệ tử.
Đây là câu niệm quen thuộc, phổ biến rộng rãi nhất trong giới Phật tử, thậm chí trở thành câu chào khi họ gặp nhau.
Hai chữ “nam mô” có các nghĩa sau: Kính lễ, quy y, phụng thờ, cứu ngã, độ ngã, quy mạng. “A Di Đà Phật” là danh hiệu của một vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. Trong đó, “a” là vô, không; “di đà” là lượng; “phật” có nghĩa là đấng giác ngộ.
Như vậy, câu “Nam mô A Di Đà Phật” có thể hiểu là “Kính lễ đấng giác ngộ vô lượng” hoặc “Quay về nương tựa đấng giác ngộ vô lượng”.
Hình tượng Phật A Di Đà.
Kinh Thập lục quán dạy, chúng sinh nào niệm một lần danh hiệu của Phật A Di Đà sẽ tiêu được 8 muôn ức kiếp tội nặng. Kinh sách cũng cho biết, Phật A Di Đà từng phát nguyện chúng sinh nào nhất tâm niệm danh hiệu ngài sẽ được ngài tiếp dẫn linh hồn cho vãng sinh về thế giới Tây phương cực lạc.
Câu niệm Phật này hiện thường được các Phật tử dùng để chào nhau, hàm chứa sự nhắc nhở nhau hướng về sự giác ngộ, sống theo giáo lý Phật dạy.
Đức Phật A Di Đà là ai?Đây là vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. Tên của ngài được hiểu là Vô lượng thọ, Vô lượng quang (hào quang trí tuệ chiếu khắp các thế giới), Vô lượng công đức. Ngài xuất hiện trước đức Thích Ca rất lâu.
Theo kinh Đại A Di Đà, thời rất xa xưa, có một vị quốc vương tên Kiều Thi Ca sau khi nghe một vị Phật thuyết pháp liền bỏ ngôi xuất gia tu hành, lấy hiệu Pháp Tạng. Ông phát ra 48 lời nguyện cứu độ chúng sinh, trong đó có đại nguyện rằng sau khi tu thành Phật sẽ tịnh hoá một thế giới và biến nó thành một trong những vương quốc thanh tịnh và đẹp đẽ nhất, chúng sinh nào hướng niệm đến ngài sẽ được tiếp dẫn để vãng sinh ở đó. Sau này ngài hoàn thành đại nguyện và thành Phật A Di Đà. Thế giới tịnh hóa của ngài thường được Phật tử hình dung là chốn Tây phương cực lạc.
Trong các ngôi chùa, bạn có thể nhận ra tượng Phật A Di Đà qua các đặc điểm sau: Trên trên đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, khoác trên người áo cà sa màu đỏ.
Phật A Di Đà có thể ở tư thế đứng, tay phải đưa ngang vai, chỉ lên, tay trái đưa ngang bụng, chỉ xuống, hai lòng bàn tay hướng về phía trước; trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau làm thành vòng tròn.