Được phát hiện năm 2015, thiên hà W2246-0526 không phải là thiên hà lớn nhất hay nặng nhất, nhưng nó phát ra độ sáng gấp 350 nghìn tỷ lần Mặt trời.
Bằng hệ thống kính viễn vọng ALMA tại Chile, các nhà khoa học NASA chụp được các vệt bụi riêng biệt do W2246-0526 kéo ra từ ba thiên hà nhỏ hơn.
Không chỉ các ngôi sao, tập hợp khí nóng và bụi tập trung xung quanh trung tâm W2246-0526 góp phần vào độ sáng kỷ lục của thiên hà này.
W2246-0526 làm thịt 3 thiên hà hàng xóm. (Ảnh: ESO)
Nằm ở trung tâm các đám mây bụi này là một hố đen siêu lớn nặng gấp 4 tỷ lần Mặt trời.
Dưới tác động của lực hấp dẫn, vật chất rơi về phía lỗ đen ở tốc độ cao, va vào nhau và nóng lên hàng triệu độ phát ra ánh sáng cực mạnh.
Nghiên cứu mới cho thấy, vật chất WJ2246-0526 đánh cắp từ các thiên hà láng giềng đủ để bổ sung lượng nhiên liệu mà nó tiêu thụ, do đó duy trì độ sáng của thiên hà này.
Hành vi ăn thịt đồng loại trong thiên hà không phải là hiếm. Các nhà thiên văn trước đây từng quan sát thấy hiện tượng các thiên hà hợp nhất hoặc đánh cắp vật chất từ đồng loại. Tuy nhiên, trường hợp làm thịt 3 người láng giềng như W2246-0526 là khá hiếm.
W2246-0526 được biết đến là thiên hà "sáng nhất vũ trụ", nhưng giới nghiên cứu tin rằng danh hiệu này sẽ sớm mất đi. Nguyên nhân là bởi luồng khí gas siêu nóng phun ra từ hố đen tại trung tâm của nó đang tản mát theo mọi hướng giữa các vì sao với tốc độ cao. Điều này khiến W2246 đánh mất một phần lớn khí gas và bụi vốn là nhân tố quan trọng góp phần vào độ sáng của nó hiện nay.