Chiều 24/5, tại đỉnh đèo Hải Vân, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia Hải Vân Quan, sau thời gian dài công trình này bị bỏ hoang.
Hải Vân Quan là công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa quan trọng được xây dựng dưới triều Minh Mạng, đến nay đã gần 200 năm.
Cụm công trình di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân.
Cụm công trình nằm ngay trên đỉnh đèo Hải Vân, là điểm tiếp nối giữa 2 thành phố lớn nhất miền trung Việt Nam và có hướng nhìn ra biển rất đẹp. Từ đây có thể quan sát tàu bè ra vào vịnh Đà Nẵng.
Tuy nhiên, do nằm giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng, di tích này không được quan tâm, chăm sóc và tôn tạo đúng mức nên bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng.
Từ sự phản ánh của người dân địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí, cuối năm 2016, lãnh đạo 2 địa phương đã họp bàn để đi đến thống nhất lập hồ sơ công nhận di tích quốc gia với cụm công trình Hải Vân Quan.
Đến ngày 14/4, Bộ VH – TT&DL đã có quyết định công nhận di tích quốc gia đối với Hải Vân Quan theo đề nghị của 2 địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng nhận quyết định công nhận di tích quốc gia đối với Hải Vân Quan. (Ảnh: X.T).
Sau thời gian dài bị "bỏ quên", quyết định công nhận di tích đã góp phần cứu di tích khỏi nguy cơ đổ sụp, hư hỏng.
Ngày 24/4, lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao của 2 địa phương đã có buổi làm việc tại đỉnh đèo Hải Vân để bàn về các biện pháp bảo vệ và trùng tu di tích.
Đồng thời, cả 2 địa phương thống nhất sẽ cùng bắt tay nhau thể hiện quyết tâm cứu Hải Vân Quan khỏi nguy cơ hoang phế.
Công trình Hải Vân Quan chính thức được công nhận là di tích quốc gia sau thời gian dài bị bỏ hoang.
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên tin tưởng, với sự hợp tác của lãnh đạo Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, trong tương lai gần Hải Vân Quan sẽ được bảo vệ, trùng tu, phát huy những giá trị vốn có.
Nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà vươn ra tầm quốc tế.