Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thi vào lớp 10 Hà Nội: Hẹp cửa trường top đầu, thí sinh khó chọn nguyện vọng?

(VTC News) -

Đại diện các trường THPT công lập Hà Nội khuyên thí sinh, phụ huynh không nên lo lắng, hoang mang về quy định đăng ký nguyện vọng mới của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, quy định tuyển sinh mới vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội năm nay gần như không thay đổi về bản chất, đặc biệt mở rộng hơn cơ hội cho các thí sinh.

Các thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn trường khi đăng ký dự tuyển. Bởi vì mỗi thí sinh chỉ có cơ hội một lần duy nhất, không được đổi nguyện vọng như các năm học trước.

Năm nay, thí sinh và phụ huynh cần "liệu cơm gắp mắm", tự định lượng được sức học của mình ở mức điểm có thể đạt để đăng ký vào các trường. Các em chia sức học thành 3 loại giỏi - khá - trung bình, tương ứng với nguyện vọng vào các trường có điểm chuẩn cao - trung bình - thấp.

Ví dụ, thí sinh Nguyễn Văn A có hộ khẩu thường trú ở quận Hoàng Mai (thuộc khu vực tuyển sinh 4) nhưng muốn thi vào trường THPT có điểm chuẩn cao như THPT Việt Đức hoặc THPT Kim Liên... thì vẫn được đăng ký bình thường. Tuy nhiên, thí sinh cần nhớ đó sẽ là nguyện vọng duy nhất, phải dốc toàn lực để đạt điểm cao.

Chính sách mới này cũng có lợi với các thí sinh học lực khá và trung bình. Nếu nguyện vọng 1 và 2 đều không đỗ thì các em vẫn còn nguyện vọng 3, cơ hội vào trường công lập vẫn còn.

Thí sinh dự thi THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Để tăng khả năng đỗ, bà Nguyễn Bội Quỳnh khuyên thí sinh nên đưa ra chiến thuật căn cứ vào điểm chuẩn năm 2019 và 2020. Nguyện vọng 1, thí sinh nên đăng ký vào trường top đầu (có điểm chuẩn từ 38 điểm trở lên), nguyện vọng 2 đăng ký vào trường top giữa (có điểm chuẩn từ 35 điểm trở lên) và nguyện vọng 3 đăng ký vào trường (có điểm chuẩn từ 35 điểm trở xuống). Điều này sẽ giúp các em tăng khả năng đỗ và tăng tính cạnh tranh vào các trường công lập hơn.

Đại diện trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, năm nay toàn thành phố chia ra thành 12 khu vực tuyển sinh, thí sinh được đăng ký nguyện 1 và 2 ở nơi mình có hộ khẩu thường trú. Một khu vực tuyển sinh sẽ có từ 2 đến 4 quận/huyện, thí sinh có hộ khẩu khu vực nào sẽ được phép đăng ký hai trường ở khu vực đó chứ không phải là hộ khẩu quận nào thi quận đấy.

Giống như năm 2019 và 2020, về vấn đề đổi khu vực tuyển sinh, Sở GD&ĐT quy định thí sinh muốn đổi khu vực tuyển sinh cần làm đơn (theo mẫu), có xác nhận của hiệu trưởng trường THCS - nơi đang học lớp 9 và ghi khu vực tuyển sinh xin đổi vào mục “Khu vực đăng ký dự tuyển” trong “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT”, nộp tại trường THCS.

Thí sinh lưu ý, khi đổi khu vực tuyển sinh, các em vẫn phải tuân thủ nguyên tắc đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào hai trường THPT công lập trong cùng khu vực tuyển sinh. Hai nguyện vọng này được xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2.

Với năm học 2021- 2022, nếu thí sinh có hộ khẩu ở huyện Thanh Trì, bố mẹ việc làm ở Hoàn Kiếm, để tiện đưa đón con đi học thì hoàn toàn có thể xin chuyển khu vực tuyển sinh bình thường, như mọi năm. 

Như vậy, xét về bản chất, việc đăng ký này không hề có sự thay đổi, thậm chí chính sách mới có tạo cho thí sinh thêm cơ hội. Tuy nhiên, một số phụ huynh không đọc rõ phương án tuyển sinh nên hiểu nhầm. Nếu có sự thay đổi đặc biệt thì Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo từ đầu năm học chứ không phải vào thời điểm này. Vì thế, cha mẹ thí sinh có thể yên tâm.

Việc có thêm nguyện vọng 3 là quy định mới, mở rộng quyền lợi cho thí sinh. Trước đây, từng có thí sinh dù trượt cả hai nguyện vọng nhưng điểm vẫn cao hơn cả điểm tuyển sinh của rất nhiều trường THPT công lập khác ở khu vực khác. Điều này là rất tốt và tạo cơ hội mở cho thí sinh, vị đại diện này nhấn mạnh.

Thí sinh dự thi THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, về bản chất quy định không có gì thay đổi, thí sinh và phụ huynh có thể yên tâm ôn tập.

Nếu như các năm trước, mỗi thí sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, hai nguyện vọng này phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh, thì năm học 2021-2022, mỗi thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. 

Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà thí sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. 

Nếu thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào. Trường hợp thí sinh đăng ký hai nguyện vọng thì nguyện vọng 1 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; còn nguyện vọng 2 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, quy định thí sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo hộ khẩu thường trú nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, đảm bảo quy hoạch mạng lưới trường học của thành phố, giảm bớt áp lực đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh.

Quy định này được xây dựng trên căn cứ thực tế khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước. Thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiện tượng thí sinh đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, số lượng thí sinh xin đổi khu vực tuyển sinh ở những năm học trước không nhiều.

Trong các trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu thí sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình thí sinh làm đơn, có xác nhận của địa phương là được.

Hà Cường

Tin mới