Ra mắt 5 mẫu xe điện tại Mỹ, VinFast tuyên bố dừng sản xuất xe xăng
Sáng 6/1, VinFast ra mắt 5 mẫu xe điện tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2022 ở Las Vegas, Mỹ gồm VF5, VF6, VF7, VF8 (tên gọi mới của VF e35) và VF9 (tên gọi mới của VF e36).
Tại sự kiện này, lãnh đạo VinFast khẳng định VinFast sẽ là hãng xe tiên phong trên thế giới ngừng sản xuất xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất các dòng xe thuần điện. VinFast sẽ trở thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022.
Theo ông Hoàng Chí Trung, Tổng Giám đốc VinFast Trading Việt Nam, ngay từ khi thành lập, tầm nhìn của VinFast đã được đặt ra là trở thành một hãng xe điện thông minh toàn cầu. Tuy nhiên, từ đây đến hết 2022, VinFast vẫn tiếp tục bán các mẫu xe xăng để phục vụ nhu cầu của thị trường.
VinFast công bố chiến lược thuần điện và dải sản phẩm hoàn thiện tại CES 2022.
Tại CES 2022, VinFast công bố VF8 có giá khởi điểm 41.000 USD tại Mỹ, khoảng 36.100 euro khi bán ra ở châu Âu và 961 triệu đồng tại Việt Nam.
Trong khi đó, VinFast VF9 có giá từ 56.000 USD ở Mỹ, 49.280 euro tại châu Âu và từ 1,312 tỷ đồng tại Việt Nam.
Ngay sau đó, theo số liệu thống kê tính đến 14h ngày 6/1, VinFast đã nhận được 11.685 đơn đặt hàng cho hai mẫu ô tô điện VF 8 và VF 9 tại thị trường Việt Nam, xác lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu với trung bình gần 2.000 đơn đặt hàng mỗi giờ.
Đây là con số chỉ tính riêng thị trường trong nước, chưa bao gồm thị trường Mỹ và châu Âu. Trong số 11.685 đơn đặt hàng được ghi nhận, có 7.591 đơn (khoảng 65%) dành cho VF 8 và 4.094 đơn (khoảng 35%) dành cho VF 9.
Máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn hạ
Chuyến bay VN5311 sử dụng tàu bay B787-868 từ Narita - Nhật Bản về Hà Nội, khởi hành lúc 10h30 ngày 5/1 (giờ địa phương) gồm 15 thành viên tổ bay (12 tiếp viên và 3 phi công) cùng 47 hành khách đã bị đe dọa an ninh.
Khoảng 11h10 (giờ địa phương), chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản nhận được một cuộc điện thoại từ đối tượng giọng nam giới tự xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, người này đe dọa bắn hạ chuyến bay trên. Thời điểm này, chuyến bay VN5311 đã bay được khoảng 40 phút và chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo.
Ngay sau khi nhận cuộc điện thoại, chi nhánh VNA tại Nhật Bản đã báo cáo nhanh vụ việc về Vietnam Airlines. Nhận được sự chỉ đạo, phối hợp của giới chức Việt Nam - Nhận Bản, khoảng 13h02 (giờ địa phương), chuyến bay VN5311 đã được hạ cánh xuống sân bay Fukuoka, Nhật Bản.
Sau khi xác định chuyến bay an toàn, không có dấu hiệu bất thường, nhà chức trách và cảnh sát sân bay Fukuoka thông báo cho phép chuyến bay VN5311 khởi hành về Hà Nội và sau đó hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 18h12 (giờ Việt Nam) ngày 5/1.
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, lực lượng chống khủng bố Bộ Công an (Cục An ninh nội địa) đang phối hợp với Nhật Bản điều tra vụ việc máy bay Vietnam Airlines bị dọa bắn.
Máy bay của VNA bị đe dọa an ninh. (Ảnh minh họa)
Trình Quốc hội gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng
Sáng 4/1, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023.
Chính phủ đề xuất chi khoảng 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; chi khoảng 53.000 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; chi khoảng 110.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chi khoảng 114.000 tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Cuối cùng, Chính phủ sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng để phục vụ một số nhiệm vụ khác.
Để có nguồn lực thực hiện, Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách với số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Riêng năm 2022, Chính phủ ước tính tăng bội chi thêm khoảng 1,1% lên mức 5,1% để có số tiền khoảng 102.800 tỷ đồng.
Chứng khoán liên tiếp lập đỉnh dịp đầu năm mới
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2022 (4/1), chỉ số VN-Index tăng 27,3 điểm (1,82%) lên đỉnh mới 1.525,58 điểm, đánh dấu một cột mốc lịch sử mới. Khối lượng giao dịch trên sàn đạt trên 891 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 28.616 tỷ đồng. Toàn sàn có 332 tăng giá, trong đó 29 mã tăng trần và 137 mã giảm giá.
Thị trường chứng khoán thiết lập đỉnh cao mới ngay phiên đầu năm 2022. (Ảnh minh hoạ)
Chưa dừng lại, đến phiên giao dịch ngày 6/1, chứng khoán tiếp tục lập đỉnh cao mới, khi vọt lên mức 1528,57 điểm. Kết quả này được cho là do tác động từ thông tin về chiến lược đi tiên phong phát triển hoàn toàn xe điện của VinFast, khiến các cổ phiếu họ Vingroup bứt phá ấn tượng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chứng khoán Việt còn nhiều dư địa tăng trưởng và VN-Index có thể đạt mức 1.700 - 1.750 điểm trong năm 2022, thị trường sẽ phân hóa lớn.
Giá vé máy bay Tết 2022 thấp kỷ lục
Gần một tháng nữa là tới cao điểm Tết Nguyên đán 2021 nhưng giá vé khứ hồi trên trục vàng TP.HCM - Hà Nội, khởi hành ngày 29/1 (27 tháng Chạp năm Tân Sửu) và trở lại vào ngày 6/2 (6 tháng Giêng năm Nhâm Dần) đang ở mức rẻ nhất trong nhiều năm gần đây.
Giá vé máy bay Tết 2022 thấp kỷ lục. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Vietjet Air đang là hãng bay có giá vé Tết 2022 rẻ nhất trên hành trình này. Hãng hiện đưa ra mức giá thấp nhất 3,1 triệu đồng đã bao gồm thuế phí, thấp hơn 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2021.
Những lựa chọn khác của hành khách trên hành trình này bao gồm Bamboo Airways (3,3 triệu đồng), Vietnam Airlines Group (4,7 - 4,9 triệu đồng) và Vietravel Airlines (5,1 triệu đồng). Trung bình giá vé mà các hãng đưa ra đang thấp hơn cùng kỳ từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng.
Ba "ông lớn" bắt tay làm nhà ở vừa túi tiền
Liên minh Hưng Thịnh, Đồng Tâm, Trường Thành sẽ tập trung triển khai dự án tại 4 tỉnh, thành phía Nam, giá bán sản phẩm dự kiến 20-25 triệu/m2, tùy khu vực.
Một điểm chung để dẫn đến quyết tâm thực hiện sáng kiến liên minh xây nhà ở vừa túi tiền của ông Nguyễn Đình Trung – chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch Đồng Tâm Group, ông Mai Hữu Tín – chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, là muốn người lao động ổn định cuộc sống sau cơn bão COVID-19 vừa qua, trong đó chuyện an cư với một chỗ ở lâu dài được đặt lên hàng đầu.
Lạng Sơn khuyến cáo DN dừng chở hàng lên biên giới
Trước tình hình nông sản thông quan sang Trung Quốc đang rất chậm, chưa có dấu hiệu cải thiện, UBND tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu.
Phía Trung Quốc hiện đã thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu đối với hàng hóa bảo quản lạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tạm dừng trước Tết 14 ngày và sau Tết 14 ngày).
Xe hàng tập kết tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) chờ thông quan xuất khẩu. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)
Tính đến ngày 2/1, còn 2.852 xe đang tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma. Riêng các xe chở hoa quả xuất khẩu là 1.717 xe, tập trung chủ yếu tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị.
Trong khi đó, năng lực thông quan xuất khẩu hiện nay tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn chỉ dưới 100 xe/ngày. Các khu vực bến bãi (gồm cả các khu vực được đầu tư, trưng dụng thêm để tạm sử dụng) dành cho phương tiện chờ, đỗ hiện nay đều đã quá tải.