Mới đầu tháng 12 nhưng nhiều người tiêu dùng đã có tâm lý sắm Tết sớm. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý, dịp Tết Nguyên đán 2023 dự báo sức mua của người dân sẽ tăng mạnh bởi dịch bệnh được kiểm soát, không ít người có tâm lý mua bù 2 năm không thể sắm Tết trọn vẹn vì COVID-19.
Trước thực trạng đó, không ít người tiêu dùng lo nguồn cung hàng hóa sẽ khan hiếm.
Chị Đỗ Thị Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Do 2 năm trước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, gia đình chị không thể về quê thăm họ hàng. Năm nay, chị quyết định sẽ đi mua quà Tết sớm để có thể lựa chọn kỹ hơn, chuẩn bị chu đáo cho lần về quê sắp tới.
Thời điểm hiện tại, chị Trang nhận thấy thị trường quà Tết đã rất sôi động, nhiều mặt hàng chị chỉ cần quay lại siêu thị vào một vài ngày sau đã không còn hoặc khan hiếm, chỉ còn sản phẩm tương tự.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về quà Tết cho người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)
Chị Lê Thị Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang loay hoay tìm mua quà Tết để chuẩn bị cho cán bộ nhân viên trong công ty. Theo chị Thủy, do số lượng quà tết cho cán bộ nhân viên khá lớn, lên tới hàng trăm túi quà nên chị phải tìm hiểu và lên kế hoạch mua quà từ sớm. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các siêu thị cũng như trung tâm thương mại mới chỉ bày lác đác khiến chị Thủy khá băn khoăn, e ngại nguồn hàng bị khan hiếm.
Trái ngược với tâm lý lo lắng của nhiều người tiêu dùng, hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng quà Tết cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng, có thể tung những chương trình khuyến mại hấp dẫn ngay trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nguồn cung sản phẩm luôn đảm bảo, hơn nữa, giá thành sẽ không tăng nhiều so với những năm trước.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho biết sức mua đang chuyển biến trong những ngày gần đây, dự báo sẽ tăng tốt trong quý IV/2022 và tháng 1-2023.
"Đến nay, tâm lý người tiêu dùng không còn căng thẳng vì dịch COVID-19 nên sẽ ăn Tết, chơi Tết "bù" cho năm rồi. Bên cạnh đó, Tết cổ truyền gần với Tết Dương lịch cũng là một động lực kích thích sức mua trong những tháng tới", ông Dũng nêu cơ sở dự đoán lạc quan.
Từ dự đoán này, Vissan đã chuẩn bị ngân sách 710 tỉ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết - tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống (chủ yếu là thịt heo), tăng 30% so với mức thực hiện Tết Nhân Dần 2022 cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%. Vissan cam kết đủ hàng trước và sau Tết với giá ổn định.
Góc độ nhà bán lẻ, bà Nguyễn Lê Hồng Xuân, Phó Giám đốc hệ thống cửa hàng tiện lợi Co.op Food, cho biết để tạo điều kiện cho người tiêu dùng chủ động sắm sửa Tết, năm nay hệ thống Co.op Food bố trí các gian hàng Tết tập trung trưng bày những mặt hàng giảm giá, khuyến mại theo từng nhóm hàng; Sắp xếp các đợt giảm giá riêng theo thứ tự ưu tiên mua sắm.
Theo đó, có đến hàng ngàn mã sản phẩm Tết được giảm giá đậm, mức giảm tối đa lên đến 50%. Đặc biệt, những ngày cận Tết, Co.op Food sẽ tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.
Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm Aeon Việt Nam, cho biết ngay từ tháng 10 siêu thị phối hợp cùng các nhà cung cấp lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho đợt mua sắm cuối năm và Tết. Sản lượng hàng hóa dự kiến tăng từ 15%-20%, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố dịp Tết bao gồm: 28 trung tâm thương mại; 132 hệ thống siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm, 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn.
Ngoài ra là các kênh bán hàng đa phương tiện bao gồm khoảng 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, 35 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn trên địa bàn thành phố có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại (hotline), website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa.
Cùng với đó là hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm…phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.