Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thị trường điện cạnh tranh từ 2024: Có xoá được thế độc quyền của EVN?

(VTC News) -

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, cùng với quá trình phát triển thị trường điện, vai trò độc quyền của EVN sẽ từng bước được xóa bỏ.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, từ 2024, người dân được mua điện bán lẻ trực tiếp, không còn bù chéo về giá điện giữa các hộ như hiện nay, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ.

Vai trò độc quyền của EVN trong các khâu đã và đang từng bước được xóa bỏ. (Ảnh: EVN)

Trước thông tin này, dư luận băn khoăn, liệu việc phát triển thị trường điện có xóa bỏ được vai trò độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay không? Bộ Công Thương có những giải pháp gì để khai thác tốt hơn các nguồn lực xã hội nhằm đa dạng hóa thị trường và nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả của lĩnh vực điện lực?

Trả lời VTC News, đại diện Bộ Công Thương cho biết, nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình tái cơ cấu ngành điện là phải đảm bảo tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, xóa bỏ độc quyền trong hoạt động phát điện, mua bán buôn, lẻ điện.

Trong khi các hoạt động mang tính độc quyền tự nhiên (truyền tải điện, phân phối điện) sẽ được tách bạch và chịu sự điều tiết của Nhà nước.

"Vai trò độc quyền của EVN trong các khâu đã và đang từng bước được xóa bỏ", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Cụ thể, ở khâu phát điện, hiện nay 2 tổng công ty phát điện thuộc các Tập đoàn kinh tế nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã được cổ phần hoá. Tổng công ty phát điện thuộc EVN đã được cổ phần hoá. Hai tổng công ty phát điện còn lại thuộc EVN cũng đang trong quá trình thực hiện các thủ tục cổ phần hóa.

Trong khi đó ở khâu mua buôn điện, EVN không còn là đơn vị mua buôn điện duy nhất như trước đây, đã có thêm 5 tổng công ty điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.

Riêng khâu bán lẻ điện, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để trình Thủ tướng trong năm 2020. Theo đó, sẽ cấu trúc lại khâu phân phối bán lẻ điện để tạo môi trường cạnh tranh, cho phép khách hàng sử dụng điện được lựa chọn đơn vị cung cấp.

Bộ Công Thương cũng cho biết, để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào ngành điện và nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả của các đơn vị điện lực, chúng ta phải có sự đổi mới đồng bộ mạnh mẽ về thể chế và các cơ chế đi kèm về tổ chức, tài chính, cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Trong lĩnh vực thị trường điện, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm củng cố hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh công khai, minh bạch có sự tham gia rộng rãi của các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế tư nhân và Nhà nước, đồng thời triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Vẫn theo Bộ Công Thương, thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNN) thực hiện chuyển đổi trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN để tăng cường tính minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành viên thị trường điện.

Phối hợp với Ủy ban QLVNN để đưa các nhà máy thủy điện đa mục tiêu tham gia thị trường điện. Có cơ chế để tất cả các nhà máy điện mới đưa vào vận hành thuộc đối tượng tham gia thị trường điện thì đều phải tham gia thị trường điện.

Đồng thời thí điểm cơ chế cho phép các nhà máy điện năng lượng tái tạo được phép trực tiếp  bán điện cho các khách hàng sử dụng điện cuối cùng để vừa mở rộng đối tượng người mua trên thị trường điện đồng thời thí điểm các cơ chế vận hành của thị trường bán lẻ cạnh tranh.

"Qua thời gian thí điểm từ 2021 đến 2023, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện các cơ chế, hành lanh pháp lý để chính thức áp dụng từ năm 2024", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Theo Bộ Công Thương, quá trình đi đến thị trường điện cạnh tranh sẽ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Hòa Bình

Tin mới