Theo Bloomberg, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành đưa quân vào Ukraine, khoảng 200 tỷ USD giá trị thị trường chứng khoán Nga và 1/3 giá trị nợ chính phủ đã bị xóa sổ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/2, chỉ số chứng khoán MOEX lao dốc hơn 33%, mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay. Có thời điểm, chỉ số này rơi tự do gần 50% vào đầu phiên.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng Trung ương Nga phải can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm khắc phục những biến động.
Đồng rúp giảm gần 3,5% xuống còn 84,1 RUB/USD, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Chi phí chống vỡ nợ cho các khoản nợ của Nga cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009.
“Đồng rúp nhiều khả năng vẫn sẽ chịu áp lực trong tương lai gần, nhưng Ngân hàng Trung ương Nga sẵn sàng giải quyết mọi trường hợp khẩn cấp”, Georgy Vashchenko, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Freedom Finance, cho biết.
Vào năm 2014, cơ quan này từng nâng lãi suất chủ chốt lên 17% nhằm xoa dịu một cuộc khủng hoảng tiền tệ sau khi Quốc hội Nga thông qua việc sử dụng quân đội ở Ukraine.
Đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán Nga tồi tệ thứ 5 lịch sử thế giới. Ảnh: Bloomberg.
Theo Piotr Matys, chiến lược gia tiền tệ tại InTouch Capital Markets, quyết định tăng lãi suất trong tương lai phụ thuộc chủ yếu vào giá đồng rúp.
Nếu đồng rúp vượt qua giá trị quy đổi 100 RUB/USD, khả năng cao lãi suất sẽ được gia tăng. Các quyền chọn ngoại hối cho thấy hơn 50% xác suất đồng rúp chạm mức 100 RUB/USD vào quý II.
“Can thiệp tiền tệ là tuyến phòng thủ đầu tiên. Việc tích lũy dự trữ ngoại hối cho phép ngân hàng trung ương làm chậm tốc độ suy yếu của đồng rúp. Tuyến phòng thủ thứ hai sẽ là một đợt tăng lãi suất khẩn cấp như đã chứng kiến ở đỉnh điểm cuộc khủng hoảng đồng rúp vào năm 2014”, Matys nhận định.
Trong khi đó, các giao dịch hoán đổi mặc định của Ukraine có khả năng vỡ nợ tới 90%.
Chiều 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các lệnh trừng phạt bổ sung đối với ngân hàng Nga. Ông đồng thời cho biết Mỹ sẽ giải phóng thêm dự trữ dầu chiến lược khi có điều kiện.
Ngân hàng Trung ương Nga không đề cập đến việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết sẽ rót 1.000 tỷ rúp (11,8 tỷ USD) cho hệ thống ngân hàng để cung cấp thêm thanh khoản. Để kiềm chế lạm phát, các nhà hoạch định chính sách đã tăng tỷ lệ chuẩn lên 525 điểm cơ bản trong 12 tháng qua.
Cổ phiếu của Sberbank, ngân hàng cho vay lớn nhất nước Nga, đã giảm 42%. Gã khổng lồ khí đốt Gazprom cũng thiệt hại 35% giá trị cổ phiếu.
Trái phiếu chính phủ của Nga giảm mạnh, phí bảo hiểm hoán đổi nợ tín dụng thậm chí tăng vọt lên 750. Trái phiếu chính phủ bằng USD của Nga vốn có thanh khoản cao cũng bốc hơi 1/3 giá trị hôm 24/2.
Lợi suất trái phiếu đồng rúp kỳ hạn 10 năm tăng 129 điểm cơ bản, giữ ở mức 12,16%. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư có liên quan đến Mỹ sẽ bị cấm mua trái phiếu chính phủ Nga được bán sau ngày 1/3 tại thị trường thứ cấp.
Trong bài phát biểu hôm 24/2, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ trừng phạt Sberbank cùng 4 tổ chức tài chính khác đại diện cho khối tài sản 1.000 tỷ USD. Giới tinh hoa tại Nga cùng các thành viên trong gia đình cũng sẽ là mục tiêu trừng phạt của Mỹ.
Động thái trừng phạt đầu tiên của ông Biden chính thức được đưa ra từ ngày 22/2. Một ngày sau, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty Nord Stream 2 AG, đơn vị thi công đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trị giá 11 tỷ USD nối giữa Nga và Đức.