Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thi tốt nghiệp THPT trong 2 ngày, giảm nội dung thi

(VTC News) -

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi (mỗi buổi 1 bài thi) thay vì 2,5 ngày như các năm trước.

Ngày 5/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo kế hoạch thực hiện chương trình năm học, phương án thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Rút gọn thời gian thi THPT

Bộ GD&ĐT sẽ phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Mục đích kỳ thi là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp bậc phổ thông và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường.

Kỳ thi gồm các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.

Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần (tổng 3 môn là 150 phút). Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi (mỗi buổi 1 bài thi), thay vì 2,5 ngày với 5 buổi thi  như các năm trước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Thí sinh tự do tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chủ yếu lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình được Bộ GD&ĐT công bố.

Bộ sẽ xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước, nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Bộ trưởng Nhạ sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế thi tại các địa phương; chủ tịch UBND tỉnh,thành phố quyết định và cử các đoàn thanh tra làm nhiệm vụ tại địa phương; giám đốc sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra các hội đồng thi.

Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Về công tác tuyển sinh đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, các cơ sở giáo dục đại học triển khai theo tinh thần tự chủ, đúng quy định của Luật Giáo dục đại học. Các phương thức tuyển sinh khác nhau như sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ, phỏng vấn, kiểm tra,… hoặc bổ sung các cách đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp.

Các trường tốp đầu, có mức độ cạnh tranh cao thì có thể tổ chức kỳ thi riêng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kỳ thi này do các trường tự tổ chức độc lập hoặc liên kết thành nhóm tuyển sinh. Có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt khác nhau trong năm như nhiều cơ sở giáo dục ở các nước đã thực hiện.

Phương án dạy học tại trường phổ thông

Bộ trưởng yêu cầu các nhà trường tổ chức cho học sinh đi học theo khối lớp và có biện pháp tổ chức dạy học theo từng nhóm học sinh/lớp để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường.

Trong đó ưu tiên tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trước ít nhất 1 tuần so với các khối lớp còn lại; chia nhóm học sinh/lớp để tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường để bảo đảm yêu cầu giãn cách học sinh trong lớp.

Giảm thời gian, nội dung kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Căn cứ tình hình và kinh nghiệm từng tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học, tiếp tục tổ chức cho các khối lớp còn lại hoặc chia các nhóm học sinh/lớp đi học luân phiên nhau theo hướng mỗi học sinh chỉ đến trường một số buổi/tuần.

Không tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh trong trường; tổ chức chào cờ trong lớp học.

Các trường kết hợp giữa dạy học trực tuyến qua Internet, trên truyền hình hoặc giao cho học sinh tự học ở nhà và dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành bài học ở trường, bảo đảm hoàn thành chương trình được tinh giản trước ngày 15/7.

Tùy theo thời gian học sinh trở lại trường và điều kiện học qua Internet, trên truyền hình, các nhà trường bố trí linh hoạt thời lượng dạy học trên lớp, dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với từng môn học cụ thể.

Bộ GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn các địa phương, nhà trường tổ chức dạy học phù hợp với tình hình diễn biến của bệnh dịch để bảo đảm thời gian hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15/7. 

Video: Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Hà Cường

Tin mới