Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thi thể chồng chất, bệnh viện Ấn Độ từ chối đón bệnh nhân

Nhiều bệnh viện tại Ấn Độ từ chối tiếp nhận bệnh nhân, trong khi nguồn dự trữ thuốc, vật tư y tế cạn kiệt, thi thể chồng chất ở nhà xác.

Chỉ chưa đầy 6 tuần lễ trước, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuyên bố đất nước đang "trong những ngày cuối" của đại dịch COVID-19. Nhưng rồi mọi chuyện đi ngược lại tính toán của ông Vardhan và chính quyền Ấn Độ.

Hôm 23/4, Ấn Độ trải qua ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới virus corona nhiều nhất thế giới. Đến hôm 24/4, họ lại phá kỷ lục này của chính mình.

Chính quyền bang Karnataka hồi giữa tuần cho phép việc hỏa táng các thi thể tại đất tư nhân, sau khi các nhà hỏa táng được cấp phép trong khu vực quá tải vì bệnh nhân chết do COVID-19.

Thi thể chồng chất

Làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Ấn Độ bắt đầu từ giữa tháng 3, và đến nay không ai biết chắc quốc gia 1,3 tỷ dân này đi đến đỉnh dịch hay chưa.

Hôm 22/4, số ca mắc COVID-19 mới ở Ấn Độ là 312.732, phá kỷ lục thế giới trước đó thuộc về Mỹ. Nhưng thảm kịch chưa dừng lại. Chỉ một ngày sau, kỷ lục số ca nhiễm mới tiếp tục bị phá, với 332.730 trường hợp ghi nhận hôm 23/4.

Tỷ lệ tử vong của Ấn Độ, về mặt thống kê chính thức, vẫn tương đối thấp nếu so với các ổ dịch khác như Mỹ hay Brazil. Nhưng đến nay, Ấn Độ ghi nhận 16 triệu ca mắc COVID-19 cùng 187.000 ca tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Làn sóng dịch bệnh thứ hai đang phá hủy cuộc sống của các cộng đồng cư dân, đánh gục nhiều bệnh viện trên khắp cả nước.

Mọi loại nhu yếu phẩm y tế đều đang khan hiếm. Các giường bệnh, cả giường bệnh thường lẫn giường chăm sóc tích cực, đều hết chỗ. Tại nhiều cơ sở y tế, mỗi giường bệnh có tới hàng chục bệnh nhân xếp hàng để chờ được sử dụng.

"Thuốc men, máy thở, dưỡng khí đều cạn kiệt. Tại các nhà xác và lò hỏa thiêu, thi thể xếp chồng chất", CNN miêu tả.

"Chúng tôi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất có thể tưởng tượng ra trong đại dịch. Tình hình đã chuyển biến xấu trong vài tuần, nhưng giờ đang là đỉnh điểm", Chandrika Bahadur, người đứng đầu nhóm công tác về COVID-19 của Ấn Độ, cho biết.

Làn sóng dịch bệnh hiện nay được miêu tả là tồi tệ hơn nhiều so với năm 2020. Chưa kể việc người dân kiệt quệ sau một năm đại dịch.

Bệnh nhân và người thân tuyệt vọng khi không thể tiếp cận chăm sóc y tế cần thiết. Nhiều người phải đăng tải lên mạng xã hội cầu xin giúp đỡ về thuốc men và thông tin cơ sở y tế còn giường bệnh trống.

Đầu tuần qua, sinh viên 22 tuổi tên Vishwaroop Sharma phải đưa cha tới bệnh viện ở thủ đô New Delhi để điều trị khẩn cấp vì mắc COVID-19. Nhưng bệnh viện khi đó quá tải, hai cha con không thể tìm được giường bệnh hay dưỡng khí, họ buộc phải chờ đợi ở bên ngoài.

"Họ không cấp cho chúng tôi thứ gì, cha tôi chết ngay trước mặt tôi, ngay trên tay tôi", Sharma nói.

Trong khi đó, Akhil Gupta có người mẹ 62 tuổi tên Suman mắc COVID-19. Gia đình đưa bà Suman tới nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi để điều trị nhưng đều không còn giường trống.

Mãi tới ngày 16/4, bà Suman mới được cho phép đưa vào phòng cấp cứu tại bệnh viện Max Hospital. Người phụ nữ ban đầu được sử dụng dưỡng khí tạm thời, luân phiên với các bệnh nhân khác.

"Giờ thì các bác sĩ yêu cầu chúng tôi đưa bà ấy về, bởi họ không còn đủ dưỡng khí để giữ bà ấy trong phòng cấp cứu nữa. Nhưng chúng tôi thậm chí còn không tìm được xe cấp cứu, hay dưỡng khí, để đưa bà ấy tới một cơ sở khác", Akhil nói.

Hình ảnh chụp từ drone hôm 23/4 cho thấy những thi thể được hỏa táng cạnh nhau trong những nhà hỏa táng chật kín chỗ. (Ảnh: Reuters)

Cơn giận dữ của người dân

Khi Ấn Độ ngày càng lún sâu vào khủng hoảng y tế, nhiều người dân đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính phủ trung ương.

Bất chấp cảnh báo từ giới khoa học và quan chức một số địa phương, chính phủ trung ương ở New Delhi gần như vắng bóng trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata cầm quyền bị chỉ trích quá chậm trễ thực hiện các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Ngay cả khi nhiều bang tái áp đặt lệnh phong tỏa và các bệnh viện quá tải, New Delhi vẫn tiếp tục tán dương "thành công trong chiến dịch tiêm chủng" và lạc quan về nguồn cung nhu yếu phẩm y tế, những điều thực tế hiện nay đã chứng minh là hoàn toàn sai lầm.

Chỉ mãi tới ngày 20/4, Thủ tướng Modi mới thừa nhận tình trạng dịch bệnh nguy cấp và công bố các biện pháp mới nhằm kiểm soát đà lây lan của virus.

Thi thể được đưa tới bờ sông ở New Delhi chờ hỏa táng. (Ảnh: Bangkok Post)

Nhưng ngày 20/4 cũng là quá muộn. Khi đó, Ấn Độ trở thành nước có số ca nhiễm bệnh mỗi ngày lớn nhất thế giới. Gần 28% ca bệnh mới trên toàn cầu tuần qua đến từ Ấn Độ, theo thống kê của WHO.

Sự giận dữ bùng nổ trên các mạng xã hội. Hàng chục nghìn người chỉ trích thất bại chống dịch của chính quyền Thủ tướng Modi, đồng thời kêu gọi ông từ chức.

"COVID-19 ở Ấn Độ cho thấy năng lực của chính phủ. Họ mất cảnh giác trong làn sóng đầu tiên. Nhưng giờ thì sao? Sự chuẩn bị rõ ràng là rất tuyệt vọng", ông Siddaramaiah, cựu lãnh đạo bang Karnataka, chỉ trích.

Trong khi đó, lãnh đạo bang West Bengal, ông Mamata Banerjee kêu gọi Thủ tướng Modi phải chịu trách nhiệm và từ chức.

"Thủ tướng chẳng làm gì để ngăn COVID-19, cũng chẳng làm gì để những người khác hành động ngăn chặn dịch bệnh", ông Banerjee nói.

Các chuyên gia y tế cho biết việc người dân mất cảnh giác quá sớm đã khiến làn sóng dịch bệnh thứ hai ập đến nhanh chóng. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng bởi những tuyên bố lạc quan thái quá của các quan chức chính phủ như Bộ trưởng Y tế Vardhan hay chính bản thân Thủ tướng Modi.

Thủ tướng Narendra Modi và đảng Bharatiya Janata cầm quyền bị cáo buộc đặt lợi ích chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng sau khi tổ chức một loạt cuộc mít tinh quy mô lớn hồi tháng 3 và đầu tháng 4.

Nhà chức trách cũng cho phép tổ chức lễ hội Kumbh Mela với hàng triệu người tham dự ngay giữa làn sóng dịch bệnh thứ hai.

"Điều chúng ta đều thấy là Thủ tướng tổ chức những cuộc tập trung quy mô lớn, không ai trong số họ đeo khẩu trang hay tuân thủ giãn cách xã hội", Harsh Mander, một nhà hoạt động quyền con người, cho biết.

Trong lúc này, người dân tiếp tục chìm trong sợ hãi vì nguy cơ mắc bệnh, tức giận bởi bất lực, và tuyệt vọng trước cảm giác bị nhà chức trách bỏ rơi.

"Tình hình ở thủ đô New Delhi xấu đi mỗi ngày, thành phố đã biến thành địa ngục", Sharma, người mất cha vì COVID-19, nói. Sinh viên 22 tuổi này cho biết các bệnh viện đã không còn nhu yếu phẩm y tế hay giường bệnh trống.

"Tôi hoàn toàn bất lực. Tôi sợ hãi, tôi tức giận. Tôi không muốn mất cả mẹ mình như cách cha tôi đã ra đi. Tôi sẽ không thể sống nổi nếu bà ấy cũng qua đời", Sharma nói. Mẹ của Sharma cũng mắc COVID-19 và giờ đang phải thở bằng dưỡng khí.

Nguồn: Zing News

Tin mới