Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thí sinh đau đầu chọn ngành học: Theo sở thích hay xu hướng?

(VTC News) -

Theo chuyên gia, thí sinh chỉ nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; không nên đi ngược sở thích, tính cách, năng lực.

Sở thích ngược chiều với kỳ vọng

Nữ sinh Hoàng Thảo Nga, trường THPT Kim Liên (Hà Nội), đau đầu trong việc chọn trường, chọn ngành học phù hợp. Lực học của Nga được đánh giá trong mức khá- giỏi và cô yêu thích ngành điện lực.

Tuy nhiên Thảo Nga và gia đình lại đang phải đấu trí trong việc cân nhắc chọn ngành học theo sở thích hay định hướng.

“Bố là bác sĩ, mẹ là dược sĩ nên cả hai đang định hướng em theo học ngành truyền thông của gia đình để có thể ổn định công việc sau khi ra trường. Uớc mơ của em được trở thành kỹ sư điện. Tuy nhiên dự định này đang vấp phải rất nhiều sự phản đối từ gia đình”, nữ sinh nói và bật mí lý do bố mẹ ngăn cản vì ngành học đó vất vả, chỉ phù hợp với con trai.

Giống như Nga, cậu học sinh Đàm Trung Nghĩa, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc) cũng đang cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn ngành học. Nghĩa được thầy cô đánh giá có học lực xếp loại giỏi, 3 năm liên tiếp điểm trung bình học tập đạt 9,3 trở lên.

Từ lâu nam sinh này mơ ước được trở thành kỹ sư nuôi cấy trong nông nghiệp. Tuy nhiên nhiều thầy cô và bạn bẽ khuyên cậu nên tham gia thi các trường trong khối ngành Y- Dược để không lãng phí tài năng.

“Bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả thi và xét tuyển đại học của em. Mẹ mong em trở thành sinh viên trường Đại học Y Hà Nội- một trong những trường học được mẹ cho là danh giá bậc nhất ở nước ta. Tuy nhiên em vẫn muốn được theo đuổi ước mơ làm việc với cây trồng nông nghiệp”, Trung Nghĩa chia sẻ và lo lắng trong việc quyết định lựa chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng từ ngày 15/6 đến 30/6, việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp được coi là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mỗi người. Do đó, các thí sinh đều tính toán cẩn thận và cần lời khuyên từ nhiều phía như bố mẹ, thầy cô, chuyên gia tuyển sinh để đưa ra quyết định đúng đắn nhất

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT. (Ảnh minh hoạ)

Nguyên tắc chọn ngành học

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một số học sinh đang chọn ngành học, chọn nghề tương lai theo cảm quan, chỉ dựa vào năng lực học tập, theo trào lưu, vì lí do kinh tế hoặc nghề được xã hội trọng vọng… Ngoài ra, việc dành ít thời gian để tìm hiểu, tư tưởng học gì cũng được miễn là vào được đại học cũng khiến học sinh sai lầm.

Theo ông Nam, một người chọn sai ngành học sẽ không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong học tập và công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó, sẽ gây tâm lí chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực.

Một số nguyên tắc để chọn ngành nghề mà học sinh cần chú ý như chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân. Không nên chọn nghề mà bản thân không có đủ điều kiện đáp ứng như về sở thích, tính cách, năng lực.

Mỗi em chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân và chọn được nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.

Ngoài những định hướng trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng các bạn trẻ có thể sử dụng các trắc nghiệm đã được chứng minh có hiệu quả bằng các công bố khoa học kết hợp tư vấn trực tiếp của các chuyên gia tư vấn học đường, hướng nghiệp.

PGS Trần Thành Nam gợi ý lựa chọn nghề nghiệp các thí sinh.

Các chuyên gia cũng chỉ ra 4 bước để chọn nghề:

Bước 1: Tôi thích nghề gì?

Hãy liệt kê những nghề mà bản thân biết và có hứng thú. Mong muốn về nghề nghiệp: cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, thu nhập, giờ giấc, tính chất công việc hấp dẫn, uy tín xã hội. Sau đó, hãy lập danh sách thứ tự ưu tiên nghề.

Bước 2: Tôi phù hợp với nghề gì?

Tìm hiểu yêu cầu của từng nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…), có thể tham khảo ở mục tuyển dụng trên các báo, tạp chí để tìm điểm chung giữa yêu cầu của nghề và khả năng đáp ứng bản thân.

Bước 3: Tôi chọn nghề gì?

Nghề bản thân thích, nội dung công việc, điều kiện lao động, giá trị ý nghĩa đối với bản thân, các cơ hội - nghề bản thân có năng lực đáp ứng, sức khỏe, năng lực học tập, điều kiện gia đình.

Bước 4: Tôi nên học ở đâu?

Nghề đó thuộc lĩnh vực nào; trường nào có đào tạo lĩnh vực đó. Lập danh sách ưu tiên các trường công lập; dân lập; điểm chuẩn; chỉ tiêu tuyển sinh, danh tiếng; uy tín (thời gian thành lập, thành tích); thời gian đào tạo (đại học, cao đẳng, trung cấp); địa điểm đào tạo (gần nhà, xa nhà).

Hà Cường

Tin mới