Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thi Ngữ văn vào lớp 10 TP.HCM: Đề ấn tượng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

(VTC News) -

Giáo viên nhận định đề Ngữ văn thi vào lớp 10 năm nay vừa sức với thí sinh, đề gây ấn tượng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trưa 5/6, hơn 96.000 thí sinh ở TP.HCM đã hoàn thành môn thi đầu tiên của kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2023 - 2024.

Trả lời VTC News, cô Phùng Thị Ngọc Mai, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) nhận định đề văn năm nay nhìn tổng thể tương đối vừa sức với học sinh. 

Cô Mai cho biết, khi đọc đề lên sẽ thấy được rất nhiều cảm xúc bởi tính nhân văn cao, hướng học sinh tới những phẩm chất tốt đẹp, mang tính giáo dục cao.  

Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 công lập ở TP.HCM. 

"Đọc đề có cảm giác người ra đề thấu cảm được khó khăn của lứa học sinh trải qua những ngày tháng đại dịch phải học online rất vất vả", cô Mai nói.

Phân tích sâu hơn, cô Mai nhận định, câu số 1 của đề có ngữ liệu hay, giàu cảm xúc. Các phần câu hỏi trong câu, kể cả phần Tiếng Việt rất rõ ràng. Học sinh ôn tập kỹ sẽ làm tốt câu này. 

Hầu hết thí sinh đều cảm thấy phấn khởi vì cảm thấy đây là đề thi vừa sức. 

"Với câu số 2, là một đề nghị luận xã hội thú vị. Tuy nhiên, nếu các em không đọc kỹ đề, có thể sẽ dễ nhầm lẫn. Tôi nghĩ người ra đề có ý đồ trong câu này, muốn phân loại năng lực của thí sinh", cô Mai cho hay.

Câu cuối cùng là Nghị luận văn học, có 2 đề. Đề 1 - đảm bảo quen thuộc với học sinh vì đó là một trong những chủ đề giáo viên nào cũng đã ôn rất kỹ. Với chủ đề về tình yêu đất nước, đề này không lạ lẫm, không đánh đố. 

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận). 

Đề 2 mang tính trải nghiệm cao, nếu học sinh nào thích trải nghiệm và trình bày những hiểu biết của mình thì đề 2 là một sự lựa chọn tốt. 

"Nhìn chung, đề thi Văn năm nay khá vừa sức với học sinh, cá nhân tôi nhìn thấy câu 2 là câu phân hóa thí sinh. Nếu học sinh chủ quan, không đọc kỹ đề thì sẽ làm không sâu lắm", cô Mai nhận xét. 

Sau giờ thi, phụ huynh và học sinh đều thở phào nhẹ nhõm.

Thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THCS Nguyễn Du, quận 1) cho rằng, đề thi Ngữ văn vào lớp 10 gây ấn tượng đầu tiên với hình thức mới lạ, đó là lá thư của cô giáo được đóng khung, trang trí đẹp; một bảng thông báo của câu lạc bộ Lớn lên cùng sách…

Ngoài sự mới mẻ về hình thức thì nội dung cũng mới như nội dung đọc hiểu không trích dẫn 100% mà được dẫn dắt bởi người ra đề.

Với câu 2 - Nghị luận xã hội, thầy Bảo nhìn nhận đề có 2 điểm mới so với các năm trước: Dẫn dắt bằng một ý thơ và tạo lập văn bản dự trên một nhan đề cho sẵn.

"Nhìn chung đề không khó, đa số học sinh có thể làm được. Tuy nhiên, một số học sinh không cẩn thận sẽ làm bài không đúng trọng tâm (chỉ bàn về nội dung đoạn thơ hoặc chỉ bàn về nhan đề cho sẵn, không có sự liên kết)", thầy Bảo nhận định. 

Còn với câu Nghị luận văn học - Đề 1, chủ đề là tình yêu nước rất gần gũi với học sinh. Đề yêu cầu nghị luận thơ, học sinh cần phải thuộc một số đoạn thơ nhất định. Nếu không thuộc thơ, học sinh có thể lựa chọn đề 2, cũng không hề khó hơn. Thầy Bảo cho rằng dạng đề này đã được công bố trước đó nên không lạ với học sinh và giáo viên.

Còn ở Đề 2, chủ đề là tình cảm gia đình, khá rộng như đề 1.

Theo thầy Bảo, đề không giới hạn thơ hay truyện, học sinh có thể chọn bất kỳ tác phẩm nào đúng chủ để, ở bất kỳ thể loại nào. Sự khác biệt với đề 1 là ở yêu cầu phụ: chia sẻ về cách đọc, cách hiểu tác phẩm mình chọn. Yêu cầu phụ này không khó, học sinh được trình bày quan điểm của mình một cách tự do. Nhưng với những học sinh quen học văn mẫu, tư duy rập khuôn sẽ không hiểu yêu cầu này.

Lâm Ngọc

Tin mới