Nguyễn Tiến Đạt (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngoài tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, trang bị sẵn chứng chỉ ngoại ngữ IELTS để tăng cơ hội trúng tuyển đại học vào một số trường, nam sinh dự định sẽ tham dự thêm kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Qua tìm hiểu quy chế thi, được biết năm nay mỗi thí sinh sẽ được tham gia tối đa 2 đợt thi đánh giá năng lực, em sẽ đăng ký cả 2 đợt để chọn ra kết quả cao nhất. Đây là kỳ thi khá mới nên em cảm thấy bỡ ngỡ.Lần thi đầu tiên, em sẽ cố gắng hết sức để làm bài, song đây cũng là dịp để em làm quen với cách thức thi và nội dung đề thi, từ đó nỗ lực hơn trong đợt thi tiếp theo”, Đạt chia sẻ.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022.
Cùng có dự định đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường top đầu trong đó có ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Ngoại thương, Nguyễn Thùy Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này em khá lo lắng vì đây là kỳ thi khác hoàn toàn với thi tốt nghiệp THPT.
“Em đã tìm hiểu và làm thử đề thi minh họa các năm. Đề thi có các kiến thức tổng hợp ở nhiều môn và lĩnh vực khác nhau, trong đó gồm cả những kiến thức yêu cầu học sinh vận dụng thực tế. Điều em lo lắng là đề thi tương đối dài và tổng hợp, do đó sẽ cần có kỹ năng làm bài tốt và nắm chắc kiến thức. Các ngành em nguyện vọng xét tuyển đa số đều sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực nên em đang đặt “ngôi sao hy vọng" vào kỳ thi này. Ngoài học chắc kiến thức trên lớp, em cũng đang tham gia một số lớp luyện thi đánh giá năng lực với mong muốn được làm quen nhiều hơn với các bài thi và được rèn luyện kiến thức cho kỳ thi này”, Thùy Anh chia sẻ.
Độ khó đề thi được giữ ổn định, không thay đổi
Thông tin về những điểm mới của kỳ thi đánh giá năng lực năm nay của ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá năng lực được thiết kế có tính toàn diện, ổn định, phân loại. Do đó, sẽ không có bất kỳ thay đổi gì về dạng thức, câu trúc đề thi, độ khó dễ đề thi đánh giá năng lực trong những năm qua và thời gian tới. Những điều chỉnh chỉ mang tính hành chính như giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế thi, lệ phí đăng ký dự thi và thi.
Căn cứ quy mô của kỳ thi, năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày.
“Việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022 với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi đánh giá năng lực. Quy chế thi đánh giá năng lực quy định thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả đăng ký dự thi, kết quả đã thi hoặc hồ sơ đăng ký các ca chưa thi. Ngoài ra, đơn vị tổ chức thi sẽ thông báo cho các bên liên quan biết mức độ vi phạm của thí sinh.
Thí sinh được kiểm tra kỹ thông tin trước khi vào phòng thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022.
Căn cứ vào nhu cầu dự thi và hạ tầng kỹ thuật mới có thể mở thêm địa điểm thi mới. Năm 2023 chúng tôi mở thêm hai địa điểm thi mới, nâng tổng số địa điểm thi lên con số 17 trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, ... Chúng tôi cân nhắc thêm một vài địa điểm thi miền Trung theo xét nhu cầu thí sinh thời gian tới. Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000-20.000 thí sinh/đợt thi. Kỳ thi hướng tới phục vụ trên 70.000 thí sinh năm 2023. Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng bài thi đánh giá năng lực có tính phân loại cao, đa mục đích trong đó có sử dụng để xét tuyển vào các ngành đào tạo bậc đại học có tính cạnh tranh cao”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2023 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có một số thay đổi cơ bản nhằm tạo thuận lợi thêm cho thí sinh tham gia kỳ thi này.
Về địa điểm thi, năm nay sẽ tăng thêm 4 địa điểm tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long, nâng tổng số địa điểm thi lên 21 tỉnh thành. Năm nay sẽ có 2 đợt thi và thí sinh có thể đăng ký dự thi cả 2 đợt.
Về nội dung, cấu trúc đề thi, độ khó của đề thi được giữ nguyên như những năm trước để đảm bảo sự đánh giá tương đồng cho tất cả đợt thi. Tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh chỉ cần làm một bài thi trong 150 phút và sử dụng kết quả kỳ thi này xét tuyển vào khoảng 100 cơ sở giáo dục.
Đặc biệt năm 2023, 2 ĐH Quốc gia sẽ phối hợp để công nhận kết quả thi của nhau. Do đó, các thí sinh phía Bắc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia Hà Nội cũng sẽ được công nhận bởi ĐH Quốc gia TP.HCM và ngược lại. Đây là những điểm mới để thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển hơn.
Không cần thiết ôn tại các "lò luyện thi"
Nói về nội dung đề thi và cách ôn tập, theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, với các bài kiểm tra kiến thức khác, thí sinh có thể “ôn tủ”, còn với bài thi đánh giá năng lực, năng lực thực tế của thí sinh sẽ được khảo nghiệm qua bài thi, đánh giá đa chiều, đánh giá trực tiếp, gián tiếp, đánh giá tư duy, suy luận. Do đó việc luyện thi kiểu “học gạo”, “học tủ” sẽ không hiệu quả.
“Sẽ không phù hợp lắm nếu các em tham gia luyện thi đánh giá năng lực. Thí sinh chỉ cần học chắc, nắm tốt kiến thức chương trình GDPT đã có thể làm được bài thi này. Khi các em tham dự các lò luyện thi, thực tế họ sẽ dựa vào đề thi tham khảo sau đó ra đề gần giống. Tuy nhiên, ngân hàng đề thi đánh giá năng lực lương đối nhiều câu hỏi. Như ĐH Quốc gia Hà Nội, năm nay ngân hàng đề có khoảng 10.000-12.000 câu hỏi. Việc các em ôn luyện tại các trung tâm sẽ không mang lại hiệu quả. Tôi cũng khẳng định rằng, thống kê năm 2022 vừa qua, những em đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực thì khi đối chiếu với kết quả học tập THPT thấy mối tương quan rõ rệt”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói.
Nói về phương pháp học để có kết quả tốt nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực 2023, TS Nguyễn Quốc Chính cho hay, trước tiên thí sinh phải có năng lực tốt – đây là sự đúc rút sau quá trình dài học tập. Kết quả thi đánh giá năng lực cho thấy, những thí sinh học một cách khoa học, hệ thống, hiểu vấn đề sẽ đạt được điểm cao. Khảo sát từ các thủ khoa trong kỳ thi đánh giá năng lực các năm cũng chỉ ra rằng những thí sinh này có cách tiếp cận học tập rất nhẹ nhàng, không học tủ, học lệch.
“Đề thi đánh giá năng lực bao phủ một lượng kiến thức vừa phải, nhưng yêu cầu thí sinh phải hiểu bản chất và mở rộng vấn đề. Để đạt điểm cao thì việc học thuộc không phải cách làm tốt nhất, các em phải hiểu vấn đề, biết cách hệ thống hóa kiến thức các lớp, kết nối các khoảng kiến thức với nhau và biết ứng dụng kiến thức đó trong thực tế.
Cách học tốt nhất để đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực là đọc thật kỹ các bài học, sau đó trao đổi với bạn bè và tìm cách ứng dụng. Ngoài ra, một trong những năng lực giúp thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu. Đề thi đánh giá năng lực rất dài, cung cấp nhiều dữ kiện, số liệu, do đó những em nào có khả năng xử lý thông tin tốt, logic hóa tốt đã có kết quả khá cao”, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết.
Về việc có cần thiết tham gia các lớp luyện thi đánh giá năng lực hay không, thầy Chính cho rằng, việc luyện thi sẽ giúp thí sinh tự tin hơn, có kỹ năng làm bài tốt hơn, một phần nào đó giúp các em có kết quả tốt hơn. Song với bài thi đánh giá năng lực, thí sinh cần cẩn trọng khi luyện thi.
Hiện nay có rất nhiều các trung tâm luyện thi dựa vào cấu trúc đề thi đánh giá năng lực để xây dựng các đề thi cho thí sinh. Đây là những bài thi chưa được kiểm chứng, có thể quá dễ hoặc quá khó so với đề thi chính thức, thậm chí có thể sai. Nhấn mạnh rằng ĐH Quốc gia TP.HCM không có bất kỳ trung tâm luyện thi đánh giá năng lực nào, đo đó tất cả những quảng cáo trên mạng xã hội đều do các tổ chức, cá nhân khác tự thực hiện, thí sinh cần tỉnh táo khi tham gia ôn luyện.
“Cách tốt nhất để đạt điểm cao là các em cần học thực chất và đọc nhiều’, TS Nguyễn Quốc Chính đưa ra lời khuyên.