Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thi công nhà máy xử lý rác Khánh Sơn: Dân tố bị cưỡng chế, chính quyền nói gì?

(VTC News) -

Các hộ dân trồng cây tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) bức xúc vì không được thu hoạch cây trồng trước khi bàn giao mặt bằng thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác.

Theo các hộ dân, thay vì để người dân tự thu hoạch, xử lý số cây trồng của mình thì lực lượng chức năng lại tự ý đốn hạ, không cho các chủ hộ tiếp xúc hay nhận bàn giao cây trồng.

Xót xa nhìn cây bị đốn hạ

Trong 2 ngày 21, 22/12, ghi nhận của PV VTC News, tại trước Nhà máy xử lý rác (bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nhiều hộ dân tập trung bày tỏ bức xúc với cách làm của lực lượng chức năng trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật dự án Nhà máy xử lý rác.

Theo những hộ dân này phản ánh, thay vì để người dân tự thu hoạch, xử lý số cây trồng của mình thì lực lượng lực lượng chức năng lại tự ý đốn hạ cây cối, không cho các chủ hộ tiếp xúc hay nhận bàn giao cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Học trình bày sự việc vào sáng 21/12.

Bà Nguyễn Thị Lai (trú tổ 70, phường Hòa Khánh Nam) cho biết, gia đình bà có hơn 3.000m2 đất trồng keo, bạc hà tại đây. Bà rất muốn được thu hoạch cây trước thời điểm bàn giao đất cho dự án nhưng không được chấp nhận.

Thành phố thu hồi đất để thực hiện dự án, chúng tôi không cản trở. Chúng tôi chỉ mong được đưa thương lái vào thu mua số cây cối nhưng không được cho phép. Cây tôi trồng đã trên 3 năm tuổi, trị giá không dưới 20 triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn với gia đình tôi”, bà Lai nói.

Theo bà Nguyễn Thị Học (tổ 70 phường Hòa Khánh Nam), gia đình bà có hơn 8.500m2 trồng điều, bạc hà tại khu vực này. Đây là diện tích đất được gia đình bà trồng cây gần 40 năm qua. Bây giờ số cây trồng đã đến độ thu hoạch nhưng bị chặt bỏ nên rất xót xa.

Ngoài ra, đại diện các hộ dân cũng mong muốn chính quyền có hỗ trợ bằng mức 60% giá đất nông nghiệp hạng 1 đồng bằng (đơn giá 25.000 đồng/m2) như thông báo của UBND TP Đà Nẵng (năm 2008) về quyết định giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư tại khu vực trên để thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác Khánh Sơn.

Chính quyền nói gì?

Trả lời VTC News về sự việc này, ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, người dân nói cưỡng chế là không đúng mà đây là thực hiện nhiệm vụ “hỗ trợ đơn vị thi công”.

Theo đó, từ ngày 21/12 đến hết ngày 23/12/2021, UBND phường Hòa Khánh Nam phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ chủ đầu tư thi công hạ tầng kỹ thuật dự án Nhà máy xử lý rác tại khu vực bãi rác Khánh Sơn.

Trước khi thực hiện, địa phương đã mời người dân có cây trồng tại khu vực dự án đến làm việc. Tuy nhiên, việc phá bỏ cây trồng thì có sai sót là chưa giải thích rõ ràng khiến người dân hoang mang, cho rằng bị cưỡng chế.

Lý giải việc không cho người dân tự thu hoạch cây trồng của mình, lãnh đạo UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết vì số người trồng cây ở khu vực giải tỏa rất đông, phường chưa nắm hết số lượng nên không thể cho người dân tự ý vào khu vực đang giải phóng mặt bằng.

Nếu để người dân tự vào thu hoạch cây sẽ dễ dẫn đến mất an ninh trật tự do tranh chấp ranh giới, số cây cối”, ông Minh nói.

Khu vực thi công hạ tầng kỹ thuật dự án Nhà máy xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn.

Theo ông Minh, trước khi chặt cây, phường đã cho người quay phim, chụp ảnh toàn bộ khu vực. Số cây đốn hạ sẽ được tập trung tại một khu vực, hộ nào chứng minh đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc của cây sẽ được phường trả lại.

Cũng theo Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, sau khi được giải thích, người dân không còn đến hiện trường nữa và trong chiều 21/12 các hộ đã đến phường nộp đơn khiếu nại theo hướng dẫn. Tuy nhiên, một số đơn của người dân không trình bày rõ ràng về yêu cầu bồi, diện tích trồng cây, chủng loại cây nên được hướng dẫn về viết lại.

Trong đơn khiếu nại, bà con cần chứng minh rõ diện tích đất trồng, chủng loại cây để phường có hướng hỗ trợ, xử lý đơn thư và sẽ chuyển cấp trên xem xét”, ông Minh nói.

XUÂN TIẾN

Tin mới