CNBC đưa tin công ty cho vay tiền mã hóa BlockFi vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Theo hồ sơ, công ty hiện có hơn 100.000 chủ nợ với các khoản phải trả dao động trong khoảng 1-10 tỷ USD.
Niềm tin vào ngành công nghiệp tiền mã hóa đã bị thiêu rụi bởi bê bối của FTX. (Ảnh: Reuters).
BlockFi nợ FTX US - chi nhánh tại Mỹ của FTX - 275 triệu USD. Hôm 11/11, FTX chính thức đệ đơn phá sản lên tòa án Mỹ sau khi cạn kiệt thanh khoản, CEO Sam Bankman-Fried - người từng được coi là "người hùng tiền mã hóa" - từ chức ngay sau đó.
Cùng thời điểm, một công ty con của BlockFi cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Bermuda. Tương tự Bahamas, Bermuda từng coi tiền mã hóa là tương lai của ngành tài chính.
Theo hồ sơ phá sản, khách hàng lớn nhất của BlockFi có số dư gần 28 triệu USD.
"BlockFi trông đợi vào một quy trình minh bạch nhằm đạt kết quả tốt nhất cho mọi khách hàng và các bên liên quan", ông Mark Renzi tại Berkeley Research Group - cố vấn tài chính của BlockFi - chia sẻ.
BlockFi mở sàn giao dịch và cung cấp dịch vụ lưu ký tiền mã hóa trả lãi. Sau bê bối của quỹ đầu tư Three Arrows Capital, BlockFi và hàng loạt công ty tiền mã hóa khác rơi vào khủng hoảng thanh khoản.
BlockFi đã tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền gửi và thừa nhận "tiếp xúc đáng kể" với FTX và Alameda Research, công ty cùng do Bankman-Fried sáng lập.
BlockFi mở sàn giao dịch và cung cấp dịch vụ lưu ký tiền mã hóa trả lãi. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi tiếp xúc đáng kể với FTX và các thực thể liên quan, bao gồm các khoản nợ mà Alameda Research còn nợ chúng tôi, tài sản được giữ tại FTX.com và hạn mức tín dụng còn lại với FTX.US”, BlockFi cho biết trong một tuyên bố hồi giữa tháng 11.
Theo nguồn tin của CNBC, sau khi FTX nộp đơn phá sản, công ty đã bắt đầu thảo luận với các chuyên gia tái cấu trúc.
Theo PitchBook, BlockFi từng được định giá 4,8 tỷ USD. Nhưng sự sụp đổ của FTX đã đè nặng lên công ty.
Hồi tháng 7, ngay sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ BlockFi, Bankman-Fried và các cộng sự lập tức lên kế hoạch thâu tóm. Thời điểm đó, BlockFi đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản nghiêm trọng và đang trượt tới bờ vực phá sản.
Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự sụp đổ của đồng LUNA và những công ty cùng ngành.
FTX sau đó cung cấp cho BlockFi hạn mức tín dụng quay vòng trị giá 400 triệu USD kèm đề nghị mua lại công ty với giá 240 triệu USD. BlockFi không phải công ty duy nhất được FTX giải cứu.
Sam Bankman-Fried được coi là người hùng trong "mùa đông tiền mã hóa". Sau cú rơi của LUNA và TerraUSD, khoảng 15 công ty tiền mã hóa liên hệ với anh để vay tiền. (Ảnh: Reuters).
Tác động lan tỏa từ cú rơi của FTX đang bao trùm lĩnh vực tiền mã hóa. FTX có hơn 1 triệu chủ nợ, theo hồ sơ phá sản.
Quá trình tố tụng liên quan đến khoảng 130 công ty liên kết của FTX, bao gồm Alameda Research, FTX.US.
Trong một hồ sơ gửi lên Tòa án Phá sản Delaware, ông John Ray - CEO mới của FTX - cho biết trong 40 năm kinh nghiệm tái cấu trúc và pháp lý của mình, ông chưa bao giờ chứng kiến "sự thất bại hoàn toàn trong kiểm soát doanh nghiệp, với những thông tin tài chính đáng tin cậy bằng 0, như đã xảy ra ở FTX".
Sàn giao dịch tiền mã hóa rơi vào khủng hoảng vì sử dụng tiền gửi của khách hàng sai mục đích. Khi người dùng rút tiền ồ ạt, sàn không còn tiền mặt và phải dừng giao dịch. Trước đó, FTX bị Binance từ chối mua lại.
Mới đây, công ty môi giới tiền mã hóa Genesis cũng thừa nhận "nguy cơ phá sản". "Bức tranh của thị trường tiền mã hóa ngày càng tệ hại. Bởi những hậu quả từ sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX đang được phơi bày", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - nhận định với Zing.