Chuyến bay mang số hiệu 7C101 của hãng hàng không Jeju Air khởi hành từ Sân bay quốc tế Gimpo đến Jeju lúc 6h37 (giờ địa phương) bất ngờ xảy ra sự cố bánh đáp ngay sau khi cất cánh. Hãng hàng không này đã thông báo cho 161 hành khách về lỗi cơ học, do sự cố bánh đáp và sau đó quay trở lại Gimpo lúc 7h25.
Ngay sau đó, Jeju Air lên kế hoạch chuyển hành khách sang máy bay thay thế và tiếp tục hoạt động. Đáng chú ý, chiếc máy bay gặp sự cố lần này được xác định cùng kiểu với chiếc máy bay gặp nạn vào ngày 29/12.
Hoạt động tìm kiếm tại hiện trường vụ rơi máy bay ở Sân bay quốc tế Muan. (Ảnh: Yonhap)
Bộ phận hạ cánh là thiết bị thiết yếu liên quan trực tiếp đến an toàn bay, đảm bảo cất và hạ cánh an toàn. Đồng thời, giúp giảm thiểu tác động trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp. Hiện tại, Jeju Air đang khai thác 39 máy bay Boeing 737-800 trong đội bay gồm 41 chiếc.
Vào khoảng 9h sáng 29/12 (giờ địa phương), chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air chở 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn trượt khỏi đường băng sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay quốc tế Muan.
Khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Muan, bánh đáp của máy bay không bung ra, khiến máy bay trượt trên đường băng, đâm vào hàng rào và bốc cháy. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết đã tìm thấy hai hộp đen của chiếc Boeing 737-800 gặp nạn.
Trong tuyên bố cùng ngày, hãng Jeju Air cho biết sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết vụ tai nạn. Giám đốc điều hành Jeju Air Kim E-bae gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, đồng thời khẳng định ưu tiên hàng đầu của hãng là hỗ trợ thân nhân các nạn nhân.
Ông nêu rõ dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn và Jeju Air vẫn đang phải chờ điều tra chính thức của nhà chức trách, nhưng “bất kể nguyên nhân là gì, tôi đều chịu hoàn toàn trách nhiệm với tư cách là Giám đốc điều hành”.
Trong số 179 người thiệt mạng, có 2 người là công dân Thái Lan. Jeju Air đã thông báo cho Đại sứ quán Thái Lan tại Hàn Quốc về tình hình và sẽ cung cấp hỗ trợ tiếp theo khi cần thiết.