Luận án "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông Đại học Sư phạm Hà Nội 2" của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng được công bố trên chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ GD&ĐT ngày 7/11. Luận án gồm 149 trang, 3 chương.
Đề tài luận án trên thuộc chuyên ngành giáo dục học, được thực hiện trong khóa đào tạo không tập trung tại Viện Khoa học Thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao), do PGS.TS Bùi Ngọc và PGS.TS Lê Ngọc Trung hướng dẫn. Danh sách hội đồng chấm luận án tiến sĩ giáo dục học cấp viện gồm 7 thành viên, trong đó PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao, là chủ tịch hội đồng.
Luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng lưu trữ trên chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ GD&ĐT.
Theo tóm tắt nghiên cứu, kết quả nghiên cứu lý luận rút ra những cơ sở khoa học khẳng định hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ cầu lông giữ vai trò then chốt, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, rèn luyện thể lực và đáp ứng nhu cầu tinh thần của cán bộ viên chức và sinh viên…
Nghiên cứu cũng cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động câu lạc bộ cầu lông, cần lấy vai trò của hội viên làm trung tâm, đa dạng hóa các hình thức tổ chức tập luyện, khuyến khích động viên hội viên tích cực tham gia. Đẩy mạnh hoạt động theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ để có những điều chỉnh đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Luận án đánh giá thực trạng phong trào thể dục thể thao ngoại khóa đối với sinh viên và hoạt động thể dục thể thao ngoài giờ hành chính đối với cán bộ viên chức. Ngoài ra luận án còn đánh giá phong trào tập luyện cầu lông và các yếu tố ảnh hưởng đến phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông đối với cán bộ viên chức và sinh viên; đánh giá thực trạng hoạt động câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 qua các tiêu chí đánh giá nguồn lực của câu lạc bộ (gồm 8 tiêu chí…).
Trên cơ sở đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức bằng phương pháp phân tích SWOT về thực trạng hoạt động câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và sinh viên, luận án đã lựa chọn và kiểm nghiệm lý thuyết (qua phỏng vấn các nhà khoa học, các chuyên gia) được 7 biện pháp chung cho câu lạc bộ cầu lông, 2 biện pháp cho câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và 3 biện pháp cho câu lạc bộ cầu lông của sinh viên.
Luận án ứng dụng vào kiểm nghiệm thực tiễn và đánh giá hiệu quả các biện pháp đã lựa chọn cho câu lạc bộ cầu lông của cán bộ viên chức và câu lạc bộ cầu lông của sinh viên. Kết quả, số lượng hội viên tham gia, thành tích thi đấu, mức độ hài lòng và trình độ phát triển thể lực của hội viên trong câu lạc bộ đã có sự chuyển biến rõ rệt, phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông đã thu hút được cán bộ viên chức và sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tham gia tập luyện nhiều hơn.
Sau khi luận án trên được công bố, nhiều người nêu bày tỏ trên diễn đàn học thuật: "Lại thêm đề tài nhân bản về cầu lông. Hàm lượng khoa học ít, không có nhiều tính ứng dụng và ít đóng góp cho khoa học".
Nhiều nhà khoa học cho rằng tên đề tài quá hẹp, không đủ tầm một luận án tiến sĩ. Do vậy cần phải nói đến trách nhiệm của hội đồng thông qua đề cương, trong đó có tên đề tài và sau đó là hội đồng chấm chuyên đề, sau nữa là các phản biện kín.
Nhiều bình luận cho rằng, cần xem xét lại hội đồng duyệt đề tài và đánh giá kỹ lại chất lượng luận văn. Tránh đề tình trạng như luận văn nghiên cứu phát triển cầu lông ở Sơn La dù kém vẫn trót lọt bảo vệ thành công.
"Thêm một luận văn kém chất lượng liên quan đến Viện Thể dục Thể thao. Cần có biện pháp nghiêm để rà soát và xử lý, không thả nổi tình trạng lò ấp tiến sĩ như vậy", tài khoản tên Trần Bách bình luận.
Chiều 24/11, VTC News liên hệ PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao, chủ tịch hội đồng nhưng không nhận được câu trả lời.
Tháng 5/2022, luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thuộc Viện Thể dục thể thao cũng gây xôn xao trên các diễn đàn.
Sau 5 tháng thẩm định lại, ngày 6/10, Bộ GD&ĐT thông tin kết quả đánh giá luận án này không đạt yêu cầu. Trong đó, 2/3 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án, chuyên gia còn lại đề nghị nghiên cứu sinh làm lại và bảo vệ lại.