Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thêm 21 ứng viên GS, PGS bị tố gian lận: Thanh tra Bộ GD&ĐT vào cuộc

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết sẽ lập tổ công tác để thẩm định hồ sơ của các ứng viên.

Trong thư gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) mới đây, GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho biết, ông vừa nhận được 6 email gửi trực tiếp và gửi qua GS Phạm Đức Chính (Hội đồng Cơ học) với nội dung “Thêm 21 ứng viên GS - PGS ngành Y không đạt, 3 ứng viên nghi ngờ”. 

Vì không có thời gian và số lượng ứng viên khá lớn, phải cần nhiều ngày mới thẩm định được nên GS Châu muốn cung cấp thông tin đến Văn phòng HĐGSNN để có phương án xử lý.

GS Nguyễn Ngọc Châu tiếp tục đề nghị HĐGSNN, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho kiểm tra lại toàn bộ ứng viên GS, PGS của hai Hội đồng GS ngành Y và Dược.

Ông cho rằng việc làm này có thể ảnh hưởng đến lịch xét GS, PGS năm 2020 nhưng cần thiết vì sẽ đem lại niềm tin cho cộng đồng khoa học và nhân dân nói chung. HĐGSNN nên chủ động giải quyết vấn đề, không nên vì chạy theo “lịch xét đúng hạn” mà để vấn đề bùng phát ngoài vòng kiểm soát đến mức Thủ tướng phải chỉ đạo như năm 2017.

Khi nào mới hết tranh cãi về bài báo khoa học trong xét công nhận chức danh GS, PGS?

Việc công khai minh bạch kết quả xét công nhận chức danh GS, PGS trên website của HĐGSNN là bước tiến lớn, chịu sự giám sát của cộng đồng khoa học và nhân dân. Vì vậy, cũng đặt ra yêu cầu không chỉ các ứng viên GS, PGS phải kê khai minh bạch, mà cả các HĐGS các cấp cũng phải nâng cao năng lực giám định không để xảy ra các sai sót đáng tiếc.

Ông cũng vừa nhận thư ủy quyền gửi đến HĐGSNN đơn tố cáo 1 trường hợp đã được HĐGSNN xét công nhận PGS đợt năm 2019. Qua thẩm định Bản đăng ký xét công nhận của vị PGS này thì số bài báo ISI/SCOPUS bằng không. Người tố cáo cũng cung cấp bằng chứng cuốn sách mà trường hợp trên khai trong hồ sơ cũng là sản phẩm đạo văn. GS Châu đề nghị HĐGSNN và Thanh tra Bộ GD&ĐT xem xét.

Sẽ lập tổ công tác thẩm định hồ sơ ứng viên

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được đơn kiến nghị của GS Nguyễn Ngọc Châu. Thanh tra sẽ lập tổ công tác để thẩm định hồ sơ của các ứng viên. Tuy nhiên, phải chờ quyết định của HĐGSNN.

GS.TS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch HĐGS ngành Y cho hay đã nhận được phản ánh về các ứng viên của ngành, Hội đồng rà soát và có báo cáo kết quả lên HĐGSNN. “Khi nào có thông tin chính thức thì sẽ chuyển đến cho báo chí”, ông Phước nói.

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGSNN khẳng định: “Khi có kết quả rà soát của các hội đồng ngành sẽ thông tin vì hôm qua (26/10) mới hết hạn hai hội đồng ngành Y và ngành Dược báo cáo”.

Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia), cho rằng để cho HĐGS ngành xem xét lại những hồ sơ mà họ đã thông qua là vấn đề khó. Vì không những đòi hỏi tính độc lập mà còn kỹ năng đánh giá các tập san khoa học. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn phải có hội đồng độc lập, mà thành viên là những người trong ngành y và có kinh nghiệm cao về công bố khoa học.

“Tôi không nghĩ các ứng viên 'gian lận', vì họ liệt kê các bài báo đã công bố cùng những chi tiết theo đúng yêu cầu và quy định của mẫu đơn. Vấn đề là một số ứng viên công bố nghiên cứu trên những tập san tạm gọi là “ngoài luồng” hay “phi chính thống”, nhưng đó là vấn đề về đạo đức xuất bản (publication ethics).

Hội đồng xét duyệt có thể phát hiện những trường hợp công bố trên các tập san phi chính thống và tư vấn cho ứng viên.Thật ra, nếu ở trong môi trường đào tạo có bài bản và có hệ thống thì ứng viên phải biết phân biệt giữa tập san chính thống và 'tập san săn mồi' (hay còn gọi là tạp chí rởm) để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra”, GS. Nguyễn Văn Tuấn nói.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới