Steve Li khá bận vào thứ 7 mỗi tuần. Em học bơi 1 tiếng vào buổi sáng, sau đó là 1 tiếng rưỡi tập patin. Đến chiều, em chơi cầu lông 2 tiếng trước khi kết thúc một ngày với 30 phút nhảy dây. Steve Li mới 9 tuổi.
"Tôi đã hủy tất cả các lớp học thêm của con trai và thay thế bằng các lớp học vận động", cô Bai Peipei, mẹ của Steve cho biết.
Bai tin rằng việc chính phủ siết chặt các lớp dạy thêm ngoài giờ học cho thấy nền giáo dục nước nhà đang ưu tiên thể chất của trẻ hơn là kết quả học tập.
Bai, 36 tuổi từng là giáo viên một trường công lập ở Bắc Kinh nhưng nghỉ việc làm nội trợ. "Khi chính phủ đưa ra các định hướng, bạn phải làm theo nếu không muốn bị tụt lại trong cạnh tranh gay gắt vào các trường đại học tốt trong tương lai", Bai nói.
Các bậc phụ huynh Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào các lớp học thể chất cho con em mình. (Ảnh: Getty Images)
Cao khảo của Trung Quốc từ lâu vẫn được biết đến là kỳ thi đại học khắc nghiệt nhất thế giới. Năm nay, 10,78 triệu học sinh Trung Quốc tham gia Cao khảo. Chỉ khoảng 7% trong số này được nhận vào 151 trường đại học và cao đẳng hàng đầu của đất nước.
Để giành được lợi thế, các phụ huynh thuê gia sư về phụ đạo cho con em. Thị trường gia sư nhờ đó phát triển nhanh chóng. Nhưng nó bất ngờ chững mại sau khi Trung Quốc bất ngờ siết hoạt động dạy thêm.
Theo đó, việc dạy thêm các môn toán, tiếng Anh và tiếng Trung vào cuối tuần, trong các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè, đông bị cấm.
Nhưng quy định này không áp dụng với các môn thể thao và nghệ thuật trong bối cảnh Trung Quốc hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng và hùng mạnh của những người có “thói quen tập thể dục suốt đời”.
Năm 2019, quốc gia tỷ dân đặt mục tiêu 50% học sinh đạt điểm "xuất sắc" hoặc "tốt" trong bài kiểm tra thể chất hàng năm vào năm 2022 và 60% vào năm 2030.
Tháng 10/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành thông tư yêu cầu gia tăng tỷ trọng điểm của môn giáo dục thể chất trong kỳ thi vào các trường cấp 3. Nhiều tỉnh sau đó phải cân đối lại điểm môn này.
Thâm Quyến nâng điểm tối đa cho môn giáo dục thể chất từ 30 lên 50, so với 120 của môn tiếng Trung, 100 của toán, 100 của tiếng Anh, 120 của các môn khoa học và 120 của các môn xã hội.
Tỉnh Vân Nam thậm chí còn mạnh tay hơn khi nâng điểm thể chất lên 100.
Các bậc cha mẹ rất nhanh đã thích nghi với sự thay đổi này. Xu Shumei, mẹ của một bé gái 5 tuổi, cho biết cô đăng ký cho con mình tham gia lớp học nhảy dây cách đây 2 tuần ở Bắc Kinh với giá hơn 7 triệu đồng cho 10 buổi học kéo dài 40 phút.
"Các phụ huynh khác đều cho họ đi học nhảy dây. Đây là đầu mục kiểm tra hàng năm ở các trường tiểu học và trung học cơ sở. Nếu bạn không thể nắm bắt tốt kỹ năng, bạn sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình", Xu nói.
Một lớp dạy nhảy dây ở Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Các bài kiểm tra thể chất của học sinh Trung Quốc bao gồm nhảy dây 1 phút, chạy ngắn 50 m, gập bụng, gập người, chạy 800 m hoặc 1.000 m. Ngoài ra, học sinh còn được đo lượng không khí tối đa thở ra và chỉ số khối cơ thể (BMI) để đánh giá thể lực.
Học sinh không đạt sẽ không thể đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhưng với nhiều đứa trẻ, kỳ vọng của bố mẹ đôi khi đặt gánh nặng lên chúng. Xu nói con gái Amy của mình "yếu ớt và vụng về" khi nhảy dây. "Dù cố gắng thế nào con bé cũng chỉ nhảy được hơn chục lần. Tôi quyết định gửi con tới một trung tâm đào tạo để những người có chuyên môn giúp đỡ", Xu nói.
Ma Hui, huấn luyện viên cầu lông, đồng sáng lập một câu lạc bộ thể thao ở Bắc Kinh cho biết anh bắt đầu dạy nhảy dây từ đầu hè do nhu cầu đang tăng vọt.
"Điện thoại của tôi đổ chuông liên tục. Do tăng số lượng huấn luyện viên từ 20 lên, chúng tôi vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu", Ma nói
Anh cho biết một số phụ huynh đưa ra các mục tiêu cụ thể như nhảy 100 cái trong một phút sau 10 ngày, hoặc 200 cái sau 15 ngày.
Bai, mẹ của Steve nói muốn con trai đạt kết quả thật cao trong môn thể dục.
"Dù cạnh tranh trong những môn học chính có thể giảm bớt phần nào, các bậc phụ huynh sẽ tìm cách để con em họ đạt được lợi thế trong lĩnh vực khác như thể thao. Mối lo sẽ chẳng bao giờ kết thúc", Bai cho hay.