Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Tây Bắc Đà Nẵng được định hướng trở thành cực tăng trưởng mới của thành phố. Vùng này đang có sự thay đổi ngoạn mục về cơ sở hạ tầng, đồng thời thu hút phát triển nhiều đại dự án lớn, có ý nghĩa to lớn đối với kinh tế của Đà Nẵng nói riêng và toàn bộ khu vực miền Trung nói chung.
“Thung lũng” silicon của Việt Nam trong tương lai gần
Khu vực Tây Bắc Đà Nẵng được quy hoạch tập trung phát triển 2/3 trụ cột gồm: Công nghiệp - Công nghệ cao; Kinh tế biển, hướng đến mục tiêu trở thành “thung lũng silicon” của Việt Nam. Trong danh sách dự án thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng kêu gọi nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin tại khu vực này.
Tính đến quý I/2024, có 30 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng bao gồm: 17 dự án trong nước, vốn đầu tư đăng ký 8.198 tỷ đồng (tương đương 334,67 triệu USD); 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư đăng ký 726,70 triệu USD.
Trong đó, có một số dự án lớn như: Trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng, khu trưng bày và triển lãm công nghệ thông tin; khu nhà xưởng chuyên dụng, phụ trợ ICT; khu R&D; khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng và một số dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ, thiết kế, chế tạo robot…
Ngoài ra, vùng Tây Bắc đang tập trung phần lớn các khu công nghiệp (KCN) của Đà Nẵng như: KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm và khu dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng với tổng diện tích đất hơn 1.160ha…. hứa hẹn trở thành điểm đón đầu xu hướng chuyển dịch của nhiều tập đoàn kinh tế thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Khu công nghệ cao tại đây được định hướng trở thành một cộng đồng công nghệ thông tin chất lượng tương tự như mô hình của Thung lũng Silicon ở Mỹ, hứa hẹn khi đi vào hoạt động sẽ tối đa thu hút các nhà khoa học, kỹ sư, các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước tới làm việc.
Dự án kỳ vọng mang tới doanh thu khoảng 3 tỷ USD/năm, cùng với khoảng 25.000 lao động, trở thành đô thị vệ tinh vùng Tây Bắc của Đà Nẵng với khoảng 100.000 cư dân sinh sống.
Cảng Liên Chiểu - Động lực lớn cho phát triển kinh tế biển Đà Nẵng
Bên cạnh công nghiệp - công nghệ cao, một trong ba trụ cột được quy hoạch trọng điểm tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng là phát triển kinh tế biển. Theo đó, việc đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo thành phố Đà Nẵng.
Cảng Liên Chiểu được xếp vào cảng nước sâu loại I; là 1 trong 3 cảng lớn nhất cả nước và là cảng quy mô lớn nhất tại khu vực miền Trung. Theo UBND TP. Đà Nẵng, những giá trị lượng hoá được khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt có thể lên tới hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương tự như cảng Hải Phòng và cảng TP.HCM.
Không chỉ có vai trò to lớn đối với kinh tế, an ninh quốc gia, cảng Liên Chiểu còn là công trình có ý nghĩa đặc biệt trong việc xúc tiến thu hút đầu tư, tạo sự liên kết vùng thuận lợi. Từ đó, cảng sẽ trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của không chỉ Đà Nẵng mà còn đối với cả khu vực miền Trung.
Cảng Liên Chiểu đang trong quá trình triển khai xây dựng.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Mô hình đột phá tiên phong tại Việt Nam
Cộng hưởng cùng Cảng Liên Chiểu là chủ trương thành lập Khu thương mại tự do (TMTD) Đà Nẵng nhằm phát huy tối đa lợi thế giao thương, từ đó hình thành một khu vực năng động, có tiềm năng để thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao, đa dạng hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với vai trò trung tâm của thành phố Đà Nẵng.
Trên thế giới, mô hình khu TMTD khá phát triển như khu TMTD Thượng Hải, Dubai, Icheon (Hàn Quốc), Singapore… Những khu TMTD này thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và trở thành những biểu tượng, trung tâm giao thương năng động nhất khu vực.
Các mô hình khu TMTD kể trên có điểm chung là nằm tại vị trí gần cận với cảng biển, hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh, tương tự với vị thế sẵn có hiện nay của Đà Nẵng. Nhờ vậy, việc hình thành khu TMTD còn có ý nghĩa giúp thành phố Đà Nẵng đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại; đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước.
Khu vực Tây Bắc Đà Nẵng - Mũi nhọn phát triển mới của TP. Đà Nẵng.
Tận dụng nhiều lợi thế, thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển đô thị theo xu hướng từ mô hình đơn cực sang đa cực, hình thành 2 vành đai kinh tế, tập trung vào 4 nhóm công việc ưu tiên: Cụm Công nghiệp công nghệ cao; Cụm Cảng biển và Logistics; Cụm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Cụm đổi mới sáng tạo.
Trong đó, hưởng lợi từ vị trí và quy hoạch đồng bộ, khu vực Tây Bắc Đà Nẵng đang có sự thay đổi ngoạn mục về cơ sở hạ tầng, thu hút phát triển nhiều đại dự án lớn, có ý nghĩa đối với mục tiêu chung. Hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, kinh tế TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao, kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trọng điểm tại miền Trung.