Theo China Daily, cuộc khảo sát thực hiện với 2.000 học sinh từ tiểu học tới trung học ở Thượng Hải, Trung Quốc cho thấy, nửa số các bạn trẻ sinh từ năm 2000 đến 2010 quan tâm tới eSports, tiếp theo là hoạt hình, các vấn đề xã hội thời trang, mỹ phẩm, đồ trang sức, phụ kiện và các tin tức quốc tế.
Số liệu được thu thập từ Trung tâm dịch vụ Thanh niên Thượng Hải trực tuyến 12355.
Các thanh, thiếu niên tham gia một cuộc thi eSports ở Thượng Hải hôm 5/1/2020.
Khi được hỏi về hoài bão trong tương lai, đa số các bạn trẻ 10x muốn trở thành người giàu có, số còn lại thích trở thành người sành ăn, người bình thường, doanh nhân và ngôi sao eSports.
Theo khảo sát, 40,3% các bạn trẻ cho rằng học tập là công cụ để giúp họ đạt được mục tiêu; còn 27,2% thì coi học là hình thức đóng góp cho xã hội.
Khi được hỏi điều gì mà các em coi trọng nhất trong cuộc sống, đa phần 10x xếp sức khỏe vào vị trí ưu tiên số 1, tiếp theo là trí tuệ, cảm xúc, giàu có, quyến rũ, quyền lực và danh tiếng.
eSports phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc
Theo báo cáo của Newzoo và các chuyên gia tư vấn trong ngành công nghiệp thể thao điện tử, Trung Quốc chuẩn bị vượt Hàn Quốc, trở thành thị trường eSports lớn thế hai sau Mỹ. Năm 2019, doanh thu hàng năm của eSports mang lại cho Trung Quốc 210 triệu USD.
Các cô bé, cậu bé 10x Trung Quốc mong muốn trở thành các game thủ chuyên nghiệp.
Dự đoán về quy mô của ngành công nghiệp eSports, CGTN cho rằng, năm 2020, thể thao điện tử Trung Quốc sẽ đạt quy mô 135,31 tỷ USD.
Theo Tân Hoa Xã, các công ty như Alibaba Group Holding cũng đang đầu tư vào giải đấu eSports của mình ở khắp thành phố Trung Quốc.
Newzoo cho biết, ngày càng có nhiều người biết tới eSports trên toàn cầu. Năm 2015, chưa đầy 1 triệu người biết về thể thao điện tử nhưng tới cuối năm 2018, có 1,43 tỷ người nghe và biết đến bộ môn này. 165 triệu người trong số đó đam mê eSports. Newzoo dự đoán vào năm 2021 sẽ có 250 triệu người trên toàn thế giới theo đuổi thể thao điện tử.
Cần thêm nhiều game thủ chuyên nghiệp
Trước kia, game được cho là trò phù phiếm, vô bổ, nhưng giờ eSports làm thay đổi quan điểm của mọi người.
Nhu cầu vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp ngày càng tăng. Bộ Nhân lực Trung Quốc từng đưa ra cảnh báo nước này sẽ thiếu hụt 2 triệu vận động viên eSports vào vài năm tới. Theo Bộ Nhân lực, 86% vận động viên eSports có thể kiếm gấp đôi hoặc ba lần mức lương trung bình ở địa phương.
Các game thủ tham gia giải đấu Arena Of Valor tại Asian Games 2018, Jakarta, Indonesia.
Vì vậy, Bộ Giáo dục Trung Quốc quyết định thêm môn học eSports và game vào chương trình giáo dục đại học và dạy nghề.
Các trường như Đại học Truyền thông Trung Quốc, Cao đẳng Phim và Truyền hình Tứ Xuyên đều đang có các chuyên ngành đào tạo liên quan tới thể thao điện tử. Nhiều trường dạy nghề khác ở Trung Quốc cũng thêm chương trình đào tạo liên quan tới quản lý eSports.