Tranh luận trái chiều
"Hộ chiếu miễn dịch" có thể chứng nhận bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19, có kháng thể làm giảm nguy cơ lây lan COVID-19, giúp họ đi du lịch hoặc tiếp tục trở lại làm việc như bình thường.
Tuy nhiên, các cơ quan y tế và chuyên gia toàn cầu khuyến cáo các quốc gia thận trọng sử dụng hộ chiếu miễn dịch khi chỉ ra lo ngại về tính chính xác của xét nghiệm kháng thể, cũng như khả năng nó bị lạm dụng.
Những người khác ủng hộ ý tưởng này lại cho rằng, đây là một chứng nhận cần thiết.
Người dân London đeo khẩu trang di chuyển trên cầu Millennium. (Ảnh: Reuters)
Chile trong tháng này bắt đầu cấp chứng nhận cho những người được chữa khỏi COVID-19. Các cuộc đàm phán về những nỗ lực tương tự đang diễn ra ở Đức và nhiều nơi khác.
"Nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng hoặc 9 tháng hay nếu có làn sóng thứ 2, nhiều người muốn rời khỏi nhà của họ. Cần có một số cơ chế để xác minh khả năng miễn dịch của người đó", ông Husayn Kassai, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp về kỹ thuật số Onfido cho hay.
Onfido gần đây có các cuộc trao đổi với chính phủ Anh và chính phủ một số nước khác. Công ty này cho biết khả năng miễn dịch của một người có thể được xác nhận thông qua một bộ xét nghiệm ở nhà, tương tự các que thử thai và được các cơ quan y tế xác nhận.
"Chúng có thể chuyển thành màu xanh lá cây nếu có miễn dịch hoàn toàn, màu hổ phách cho một phần miễn dịch hoặc màu đỏ nếu có rủi ro", ông Kassai cho hay.
Công ty khởi nghiệp Bizagi có trụ sở tại Anh mới đây phát hành "CoronaPass", ứng dụng sử dụng cơ sở dữ liệu được mã hóa để lưu trữ thông tin về tình trạng miễn dịch của một người dựa trên kết quả xét nghiệm kháng thể. Ứng dụng này nhắm tới các doanh nghiệp muốn sàng lọc nhân viên.
Trang web khởi nghiệp công nghệ Pháp Socios đang phát triển một loại thẻ miễn dịch cho các sự kiện thể thao. Theo đó, chỉ những người hâm mộ có rủi ro sức khỏe thấp hoặc bằng 0 mới được tham dự các trận đấu.
Thận trọng khi sử dụng
Giáo sư Claire Standley tới từ Trung tâm Khoa học và An ninh Sức khỏe Toàn cầu thuộc Đại học Georgetown không ủng hộ việc đưa vào sử dụng loại giấy chứng nhận này với lý do hiện vẫn chưa rõ mức độ mà các kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi việc tái nhiễm.
Nhà nghiên cứu Alan Wu của Đại học California, San Francisco cũng kêu gọi thận trọng với vấn đề này.
"Hộ chiếu miễn dịch" làm dấy lên nhiều tranh cãi. (Ảnh: QZ)
Tuy nhiên, WHO nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng "hộ chiếu miễn dịch". Tổ chức này khẳng định hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sự hiện của kháng thể đối với SARS-CoV-2 sẽ bảo vệ cơ thể không bị nhiễm lại COVID-19 lần 2.
"Mọi người đều muốn tin rằng nếu tôi có kháng thể, tôi sẽ được miễn dịch. Nhưng chúng ta không thể chắc chắn về điều đó. Xét nghiệm kháng thể đối loại virus này không đủ lâu để cho thấy không ai có thể tái nhiễm nếu họ có kháng thể", ông này cho hay.
Ý tưởng về giấy chứng nhận miễn dịch không phải là mới. Trẻ em được tiêm vaccine sởi, bại liệt và các bệnh khác thường phải xuất trình giấy chứng nhận để đi học.
Ngành công nghiệp phim người lớn trong vài năm nay đưa vào sử dụng một thệ thống có tên gọi SxCheck để đảm bảo các diễn viên không bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Tuy nhiên, một số người quan ngại rằng không loại trừ khả năng một số người sẽ cố tình mắc COVID-19 để có kháng thể và lấy được chứng nhận miễn dịch.
"Các hạn chế càng kéo dài, mọi người có thể sẽ cân nhắc tới việc mạo hiểm sức khỏe của chính mình nếu họ thấy được một cách tiềm năng giúp thoát khỏi lệnh phong tỏa", bà Standley cho hay.