Tết Dương lịch là ngày lễ diễn ra vào ngày đầu tiên của năm dương, tức ngày 1/1 theo lịch Gregorius mà thế giới đang dùng hiện nay (còn gọi là Tây lịch, Công lịch, đặt theo tên Giáo hoàng Gregory XIII, người giới thiệu nó vào năm 1582). Với nhiều dân tộc và nền văn hóa trên thế giới, đây là dịp lễ quan trọng bậc nhất trong năm.
Từ bao giờ 1/1 được coi là ngày đầu năm mới?
Thực ra ở phương Tây xa xưa, ngày đầu năm mới không phải là 1/1. Theo lịch La Mã cổ, ra đời từ khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên dựa trên hệ thống âm lịch của người Hy Lạp, năm mới bắt đầu từ ngày Xuân phân 25/3. Đây là ngày các nguyên lão trúng cử bắt đầu nhận nhiệm vụ mới trong Viện Nguyên lão của đế quốc La Mã.
Năm 45 trước Công nguyên, theo lệnh của Hoàng đế Julius Caesar, lịch mới (lịch Julius) tính theo Mặt trời được ban hành, mỗi năm có thêm 67 ngày, và năm mới bắt đầu từ 1/1. Đây được coi là ngày của thần Janus, vị thần cửa, biểu trưng cho sự khởi đầu. Chính tên của vị thần này được đặt cho tháng 1 - January. Nhiều thế kỷ sau khi lịch Julius được thay thế bằng lịch Gregorius, ngày 1/1 vẫn được coi là điểm khởi đầu của một năm.
Giáo hoàng Gregory XIII, người ban hành Công lịch mà chúng ta đang sử dụng.
Lịch Gregorian được các nước theo Thiên Chúa giáo đón nhận sớm nhất, như Hà Lan năm 1583, Scotland năm 1600, Anh năm 1752. Sau đó, nhiều nước khác cũng áp dụng và đón Tết Dương lịch vào ngày 1/1 hằng năm.
Tuy nhiên, trước thời điểm Giáo hoàng Gregory XIII ấn định 1/1 là ngày đầu năm mới, ở nhiều nước châu Âu, ngày này đã trở thành sự khởi đầu chính thức của năm, như Đại công quốc Litva năm 1362, Cộng hòa Venezia năm 1522, Đế quốc La Mã Thần thánh năm 1544, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 1556, Phổ (Đức), Thụy Điển năm 1559, Pháp năm 1564…
Ngày nay, Tết Dương lịch là ngày lễ chung lớn nhất trên thế giới khi phần lớn các quốc gia coi đó là thời điểm đón năm mới. Ngay cả ở những nước có truyền thống đón Tết theo lịch âm như Việt Nam, Tết Dương lịch vẫn là ngày lễ quan trọng, tất cả người lao động được nghỉ, các hoạt động vui chơi giải trí đón năm mới được tổ chức khắp mọi miền.
Các dân tộc đón Tết Dương lịch thế nào?
Vào ngày 1/1, trẻ em Scotland thường dậy sớm, ghé thăm hàng xóm và hát vang những bài ca truyền thống để được tặng tiền xu, bánh, táo… Người Hungary trong ngày này thường gây tiếng ồn để xua đuổi ma quỷ. Họ kiêng giặt quần áo để tránh xui xẻo.
Đêm giao thừa, người Czech quầy quần bên bàn ăn gia đình, trên đó có một quả táo được cắt làm đôi. Họ quan sát lõi táo, nếu thấy hình ngôi sao nghĩa là những người có mặt đều may mắn, khỏe mạnh. Còn người Tây Ban Nha uống rượu chúc mừng nhau và ăn nho xanh thật nhanh. Sẽ có 12 chùm nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm mới, họ ăn nho với mong ước có một năm suôn sẻ, ngọt ngào.